Tại TPHCM có khoảng hơn 11.000 căn nhà xây dựng không phép, sai phép (trái phép) sau ngày 1.7.2004 (ngày Luật Xây dựng có hiệu lực thi hành) chưa được xử lý. Sở Xây dựng vừa đề xuất các biện pháp xử lý đối với các trường hợp trên và UBND TPHCM đã căn bản đồng ý. Báo giới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, ông Đỗ Phi Hùng.
* Xin ông cho biết cụ thể kiến nghị của sở đối với 11.000 căn nhà xây dựng trái phép nêu trên?
Nghị định (NĐ) 180/2007/NĐ-CP ngày 7.12.2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, nêu rõ: mọi công trình xây dựng trái phép đều bị đình chỉ thi công, buộc tháo dỡ.
Tuy nhiên, NĐ này lại không quy định đối với những trường hợp xây dựng trái phép đã hoàn thành. Do đó, Sở Xây dựng đã kiến nghị thêm một số nội dung chưa được NĐ180/CP đề cập đến. Đó là xem xét những trường hợp xây dựng nhà trái phép sau ngày 1.7.2004 được phép tồn tại nếu phù hợp với quy hoạch.
* Như vậy hơn chục ngàn căn nhà xây dựng trái phép có cơ may được “tha”, thưa ông?
Căn bản thì các trường hợp xây dựng trái phép phải được xử lý. Tuy nhiên Sở Xây dựng kiến nghị đối với các trường hợp xây dựng trái phép sau ngày 1.7.2004 nhưng phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được xây dựng trên đất ở đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ), nhà xây dựng lại hoặc cải tạo trên nền nhà cũ, nhà xây dựng trên đất ở có đủ điều kiện được cấp giấy đỏ và đảm bảo cơ sở hạ tầng sẽ được xem xét cho tồn tại; những trường hợp xây dựng trái phép phù hợp với quy hoạch nhưng chưa hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng thì chủ đầu tư phải hoàn thành cơ sở hạ tầng mới được xem xét cho tồn tại công trình.
* Chỉ được phép tồn tại thôi hay được xem xét để cấp chủ quyền luôn?
Những trường hợp trên sẽ được xem xét để cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (giấy hồng).
* Những trường hợp vi phạm không phù hợp với quy hoạch thì sẽ bị tháo dỡ?
Đối với các trường hợp xây dựng trái phép không phù hợp với quy hoạch cũng được xem xét cho tồn tại. Cụ thể, nhà xây dựng trái phép trên khu đất không phải là đất ở hoặc nhà nằm trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết (QHCT) nhưng chưa thực hiện dự án thì được xem xét cho tồn tại tạm thời nhưng chưa xét cấp chủ quyền nhà.
Khi dự án triển khai, chủ nhà phải chấp hành di dời theo quy định; đối với các trường hợp xây dựng trái phép trong khu đất chưa có QHCT cũng được xét tồn tại tạm thời, khi có QHCT thì chính quyền sẽ áp dụng những quy định nêu trên để xử lý.
Riêng những trường hợp xây dựng trái phép trong khu vực đã có QHCT và đang hoặc sắp triển khai dự án thì phải tiến hành tự tháo dỡ ngay để giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Ngoài ra, những trường hợp “ngoan cố” như xây dựng trái phép trong khu vực đã có QHCT, đã triển khai dự án, người dân đã bị giải tỏa nhưng quay trở lại tái lấn chiếm thì dứt khoát phải buộc tháo dỡ ngay.
* Đối với các trường hợp người dân xây cất nhà trên đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư sẽ giải quyết như thế nào?
Tại các quận mới và các huyện ngoại thành, các trường hợp này xảy ra khá phổ biến, chẳng hạn như đất được cha mẹ cho con cái ra riêng xây nhà. Những trường hợp này, một mặt sở kiến nghị UBND các quận, huyện nhanh chóng xây dựng QHCT khu dân cư nông thôn làm cơ sở để xử lý vi phạm xây dựng.
Mặt khác, sở cũng đề nghị các trường hợp trên được phép chuyển mục đích sử dụng đất và sau đó sẽ được xem xét cấp giấy hồng. Nếu người dân chưa có tiền chuyển mục đích sử dụng đất, sẽ được ghi nợ nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Nhà xây dựng trái phép sau ngày
1.7.2004 tại quận Tân Phú TPHCM.
Theo Sài Gòn Giải Phóng