Hôm nay 31-1, dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm chính thức khánh thành giai đoạn 2 và đưa vào sử dụng. Như vậy, dự án đã đạt 3 mục tiêu lớn: đảm bảo tiến độ, chất lượng và mỹ thuật, an toàn và vệ sinh môi trường.
Cầu Thủ Thiêm là cây cầu nối hai bờ sông Sài Gòn (thuộc quận 2 và Bình Thạnh, TPHCM). Đây là một trong số những công trình giao thông trọng điểm của TPHCM và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm thành phố hiện hữu.
Dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm chính thức được khởi công vào tháng 4-2005 do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư và Tổng công ty Xây dựng số 1 (thuộc Bộ Xây dựng) là nhà thầu chính. Dự án gồm phần cầu chính Thủ Thiêm dài 1.250m với 5 nhịp, 6 làn xe; phần cầu dẫn phía quận Bình Thạnh với 4 nhánh, mỗi nhánh 2 làn xe và phía quận 2 dài 160m với 2 nhánh rộng tương đương 6 làn xe; nút giao phía quận Bình Thạnh gồm một hầm chui trực thông dài 460m trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, rộng 4 làn xe; đường dẫn phía quận 2 dài 280m, mặt cắt ngang 47m; đường gom có tổng chiều dài 1.460m, trong đó phía quận Bình Thạnh rộng 10,5m, phía quận 2 rộng 9,5m.
Đây là một công trình quy mô lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao và phải thi công trong vùng có địa chất phức tạp. Bên cạnh đó, dự án có một khối lượng giải tỏa rất lớn (giải tỏa trắng khoảng 295 hộ dân). Dù khó khăn là thế, nhưng với tầm quan trọng của công trình nên trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư và đơn vị thi công luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo thành phố để dự án được thực hiện theo đúng tiến độ yêu cầu.
Cụ thể, đối với dự án này, UBND TPHCM đã thành lập ban chỉ đạo riêng cho dự án (bao gồm lãnh đạo các sở ngành liên quan) để giải quyết kịp thời các vướng mắc. Ngoài ra, trong năm 2008 và 2009, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng UBND TPHCM luôn thu xếp đủ vốn cho đơn vị thi công.
Trước sự quan tâm chỉ đạo của thành phố, chủ đầu tư và đơn vị thi công coi đây như là một trọng trách mà thành phố giao phó và đã tập trung mọi nguồn lực của mình để đưa dự án đạt đúng tiến độ, đảm bảo an toàn cho công trình. Điển hình là phần cầu chính phải thi công trong điều kiện sông nước, tàu thuyền qua lại nhiều nhưng đến khi hoàn thành giai đoạn 1 đã không xảy ra bất kỳ sự cố đáng tiếc nào. Thậm chí công trình đã chính thức thông xe (ngày 9-1-2008) sau hơn 2 năm nỗ lực thi công và đã xác lập kỷ lục thi công cầu có quy mô lớn trong thời gian ngắn nhất do nhà thầu trong nước đảm nhận tại TPHCM tính đến thời điểm lúc đó.
Chưa hết, với hạng mục thi công khó nhất ở dự án cầu Thủ Thiêm là hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh (vì hầm xây dựng trên nền đất yếu ở độ sâu 9m, trong điều kiện luôn luôn ngập nước) nhưng đơn vị thi công thực hiện một cách an toàn, đảm bảo chất lượng và vẻ mỹ thuật đã chính thức được đưa vào sử dụng ngày 27-12-2009 vừa qua...
Như vậy, với việc dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm chính thức khánh thành giai đoạn 2 và đưa vào sử dụng đã góp phần không nhỏ trong việc giải tỏa tình trạng kẹt xe, ngập nước vốn tồn tại lâu nay trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh. Đồng thời, dự án còn là sự kết nối trực tiếp giữa Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm thành phố hiện hữu nhằm tạo đòn bẩy để TPHCM chuyển hướng phát triển kinh tế - xã hội về phía Đông Sài Gòn, biến khu này trở thành trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ quan trọng trong tương lai của TPHCM.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng