Đã vào “mùa” sạt lở bờ sông. Hàng chục kilomet bờ sông ở TP.HCM có thể làm mồi cho “hà bá” bất cứ lúc nào, nhưng dường như việc ngăn cản sạt lở vẫn chưa thể thực hiện được
Tính đến thời điểm này đã có hai vụ sạt lở xảy ra ở hai bên bờ tả, hữu rạch Giồng (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM) với gần 600m2 đất đã bị cuốn trôi sông. Các điểm vừa xảy ra sạt lở này nằm trong 36 vị trí có nguy cơ sạt lở cao, đã được sở Giao thông công chính TP.HCM lên danh sách, cắm biển cảnh báo.
20km có thể “nhảy” sông bất cứ lúc nào
Theo ông Trần Thế Kỷ, trưởng phòng quản lý giao thông thuỷ - sở Giao thông công chính, năm nay sạt lở đến sớm hơn vì mưa sớm làm đất nhão ra. Ngoài ra, việc lấn sông, kênh rạch gây biến động dòng chảy cục bộ tạo ra xói lở hàm ếch. Nhiều công trình sát mép bờ sông ở phường Linh Đông (quận Thủ Đức), khu biệt thự Lý Hoàng (quận Bình Thạnh)... làm tăng gia tải lên bờ tạo áp lực gây sạt lở.
Hiện toàn thành phố có 36 điểm dọc bờ sông, rạch (dài khoảng 20km, bề rộng từ 10 - 20m) có nguy cơ sạt lở cao chủ yếu ở các quận 7, 9, Bình Thạnh và các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh. Trong đó, nơi có nhiều nhất là huyện Nhà Bè (có 19 vị trí ở khu vực cầu Hiệp Phước, Mương Chuối, cầu Phú Xuân - Phước Kiển, Cây Khô...) và quận Bình Thạnh (chín vị trí tập trung ở khu vực bán đảo Thanh Đa, kênh Thanh Đa)...
Tuy vậy, theo khu Đường sông, trong năm nay chỉ thực hiện ba dự án chống sạt lở (khu vực cầu Phước Long, cầu Rạch Tôm và kinh Thanh Đa, đoạn 1.3) vì kinh phí có hạn. Theo ông Kỷ, khi thực hiện các dự án lại gặp vướng mắc trong việc bồi thường, giải toả. Hiện hai dự án ở huyện Nhà Bè đã được phê duyệt đầu tư nhưng bị tắc vì chưa có mặt bằng để thi công dự án. “Đa số người dân đã lấn chiếm đất ven kênh rạch và vì vướng mặt bằng nên hầu hết các dự án triển khai rất chậm”, ông Kỷ nói.
Chưa hết, với các dự án đã lên kế hoạch triển khai thì thời gian thi công cũng phải từ khoảng 10 tháng đến một năm. Như vậy, dù có khẩn trương cách gì thì cũng không thể khởi công, hoàn thành dự án trước mùa mưa năm nay để hạn chế sự cố sạt lở có thể xảy ra.
Chờ giải pháp căn cơ
Theo đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ, hiện tượng sạt lở bờ sông thường diễn ra vào khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm do đây là thời kỳ có mực nước chân triều thấp nhất. Thời điểm hay xảy ra sạt lở từ 22h đến 1h sáng hôm sau vào các ngày đầu tháng (mùng 1, 2 âm lịch) và giữa tháng (từ ngày 15 đến ngày 17 âm lịch), chân triều sẽ rút sâu, làm gia tăng nguy cơ sạt lở.
Về biện pháp phòng tránh, ông Kỷ cho biết, sở Giao thông công chính đã tổ chức cắm biển cảnh báo ở những điểm có nguy cơ cao. Sở Giao thông công chính cũng đề nghị các địa phương thông báo liên tục các vị trí này cho người dân biết và chủ động phòng tránh. Sở và ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TP.HCM đã đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát các khu vực sạt lở, thông báo thường xuyên và liên tục các vị trí có nguy cơ sạt lở, tháo dỡ nhà lấn chiếm sông, kênh, rạch; vận động người dân di dời gia đình và tài sản đến nơi ở mới an toàn trong mùa mưa bão…
Theo khu Đường sông, giải pháp căn cơ lâu dài là phải thực hiện các dự án, xây kè chống sạt lở. Tuy nhiên, so với việc di dời các hộ dân, chỉ tốn một ít tiền và chấp nhận sạt một ít đất nông nghiệp vẫn... rẻ hơn việc đầu tư hàng chục tỉ đồng, xây kè, chống sạt lở. Trong tình hình thành phố “siết” vốn nên không thể “chống tràn lan” mà phải tập trung ở các khu vực “chiến lược”: nơi đông dân cư (như Thanh Đa), gần công trình giao thông...
Trong năm 2007, xảy ra 10 vụ sạt lở. Các vụ sạt lở đã xảy ra ở bờ kênh Thanh Đa (phường 26, quận Bình Thạnh), rạch Xóm Củi (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), bờ sông Sài Gòn (ấp 1, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi), bờ kè bảo vệ Rạch Tôm, rạch Giồng ở xã Nhơn Đức và xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.