"Hội chứng sốt" đất phía tây!

Cập nhật 15/01/2008 10:00

Sau những cơn “sốt” đẩy giá bất động sản lên 2 - 3 lần ở một số khu vực đắc địa nội đô vừa qua, thị trường nhà đất Hà Nội càng “nóng” hơn khi giới kinh doanh biết chắc thủ đô sẽ mở rộng địa giới về phía tây (Hà Tây).

Khu vực phía bắc, phía đông bỗng “nguội” lạnh. Cơn “sốt” đất lan nhanh về phía tây thành một “hội chứng”!

Cơn “sốt” mới đầu cơ đất và mua bán trên giấy!

Thị trường “nóng” ngay từ khu vực ven đô như các vùng giáp ranh giữa Hà Nội - Hà Đông - Hoài Đức (Hà Tây).

Khu đô thị mới như Mỗ Lao, Văn Phú,Văn Quán (Hà Đông), nhà đất đang ế ẩm bỗng chốc “cháy” hàng. Nhiều tháng nay, quanh đây mọc lên hàng chục văn phòng môi giới đất đai, làm ăn nhộn nhịp.

“Nếu có nhà liền kề tại khu đô thị Mỗ Lao, dù phải chịu chênh lệch 200-300 triệu đồng/ căn tôi cũng mua”- Chị Hà, một khách hàng cho biết. Trong khi đó, không ít “đại gia” sau khi găm được các lô đất đẹp tại các khu đô thị bắt đầu tung ra bán kiếm lời. Hiện nhiều người cũng đã đổ xô về Hà Tây mua đất, đặc biệt là ở các khu đô thị mới đang hình thành.

Giới kinh doanh bất động sản nhận định: Tâm điểm của cơn “sốt” đang nằm ở chính các khu đô thị mới vừa hình thành hoặc đang xây dựng thuộc địa bàn tỉnh Hà Tây, dọc theo đường Láng - Hòa Lạc: Trung Hòa-Nhân Chính-The Manor-An Khánh-Vân Canh.

Tại An Khánh - Vân Canh, nhiều lô đất biệt thự đang được rao bán với giá trung bình 4-5 tỷ đồng, nhưng thực ra đó vẫn là những cánh đồng hoang, vừa mới thu hồi đất xong.

“Mấy tháng trước, giá mỗi lô biệt thự rao bán khoảng trên 2-3 tỷ đồng, nay đã lên gấp rưỡi”- Anh Thắng, người chuyên “săn” đất tại các dự án mới tiết lộ.

Thắng cho biết, tại An Khánh, anh đã găm được 7 suất, đang chờ gặp khách sẽ “đẩy” ngay!

Cũng đại gia này phân tích, mặc dù đang sốt nhưng phải 5 -7 năm nữa khu An Khánh mới sầm uất như Trung Hòa-Nhân Chính, nên Thắng chọn cách ăn non.

Văn phòng nhà đất Phát Đạt nằm đón khách trên đường rẽ vào các thôn Phú Vinh, An Thọ (cạnh KĐT An Khánh) cho biết: Đất biệt thự tại KĐT An Khánh - Phương Viên được rao bán với giá trung bình 12 - 15 triệu đồng/m2, tùy vị trí.

Theo các nhân viên văn phòng, 3 - 4 tháng trước đây giá đất biệt thự chỉ 7-8 triệu đồng/m2, nhưng sau khi nghe nói Hà Nội mở rộng về đây, giá đất bị đẩy lên gấp rưỡi, gấp đôi. “Bọn em đang có một số lô đất loại 4,5 tỷ đồng/lô 310m2.

Vị trí đẹp, hướng Đông Nam, đường lớn, chuẩn bị xây dựng, nhiều người đã trả giá tới 4,2 tỷ”- Cô nhân viên của Phát Đạt cho biết. Liếc qua quyển sổ khá dày, chúng tôi thấy chi chít tên, địa chỉ của những người đặt cọc. Khách chủ yếu là những người đến từ Hà Nội, tìm mua đất biệt thự từ loại 150 - 300m2, giá yêu cầu từ 10-12 triệu đồng/m2, hoặc thỏa thuận, một số trường hợp đã đến ký hợp đồng với văn phòng.

“Vợ chồng tôi vừa mua một lô biệt thự hơn 300m với giá trên 4 tỷ đồng, gần sát mặt hồ coi như của để dành”-Anh Khánh, nhà ở Láng Hạ cho biết.

Tại các văn phòng nhà đất quanh KĐT An Khánh, thông tin mua bán biệt thự khá đa dạng. Cũng tại Phương Viên (Bắc An Khánh), một lô đất biệt thự nằm sát mặt đường, chủ nhân là anh Cường rao bán với giá 4,9 tỷ đồng/362m2.

Gọi vào số máy của Cường để lại tại văn phòng, anh ta cho biết: Lô đất này do Cty CP Đầu tư Á Châu làm chủ đầu tư thuộc quần thể KĐT Vân Canh rộng 96 ha, cách Trung tâm Hội nghị Quốc gia 6km! Tuy nhiên, cũng tại KĐT Vân Canh (Hoài Đức, Hà Tây), một “cò” đất cho biết, giá lô đất biệt thự chỉ 2,9 tỷ đồng/330m2!

Hỏi sao chênh nhau nhiều thế, “cò” đất nói: Các “đại gia” có quan hệ với chủ dự án lớn, “mua” được hàng chục suất, họ không găm hàng mà bán suất kiếm lời! Ngoài ra, cũng là An Khánh nhưng tùy vị trí có thể chênh nhau tới cả tỷ đồng/lô.

Chị Hoa, nhân viên Văn phòng môi giới đất Đức Tín cho chúng tôi biết: Khu Nam An Khánh, giá đất đã tăng lên 15 - 17 triệu đồng/m2, trước đây vài tháng chỉ là 10 - 12 triệu đồng/m2, văn phòng của chị vừa bán được một lô với giá này.

“So với mấy tháng trước, số người tìm đến văn phòng của tôi tăng tới 3 - 4 lần, số người đặt cọc cũng đã tăng gấp 2 lần tháng trước”- Chị Hoa cho biết.

Khu vực An Khánh đang có hiện tượng tại các văn phòng môi giới, các “cò” đất gạ khách mua đất của dự án, cứ đặt cọc 50 -100 triệu đồng/lô cho các văn phòng môi giới, họ sẽ làm việc với BQL dự án, khi nào BQL gọi thì đến nộp tiền!

Ngoài ra, “cò” đất cũng thường gạ gẫm khách mua đất giãn dân, giá thấp hơn, nhưng chẳng có giấy tờ gì. “Chủ nhà sẽ đưa anh lên xã xin xác nhận là bị thu hồi đất, thuộc diện được đền bù để làm bằng!”- Một “cò” đất cho biết.

Phía đông nguội…

Trong khi phía tây Hà Nội việc mua bán đất đai nhộn nhịp, thì phía đông lại “nguội”. Ví như tại KĐT Việt Hưng-một KĐT từng được xem là hiện đại và rộng nhất Hà Nội, tới 302 ha sau một thời gian rầm rộ giờ vắng bóng người hỏi thăm!

Chị Hoà, người vừa đăng ký mua một suất biệt thự ở đây đang muốn “đẩy” đi, giá 15 - 20 triệu đồng/m2 nhưng cũng khó bán. Trên thực tế, những lô nhà, căn hộ ở KĐT Việt Hưng đã cơ bản bán hết, nhưng các dự án mới thì có vẻ không mấy hấp dẫn.

Một điều dễ nhận thấy, hiện nay tại KĐT này số dân đến ở sáng đèn hằng đêm chưa nhiều, một vài khu chung cư vẫn cửa đóng then cài.

Dạo quanh phố Nguyễn Văn Cừ thấy các văn phòng nhà đất thưa vắng hơn, thông tin rất nghèo nàn. Anh Thành, chủ văn phòng nhà đất ở đây cho biết: Hiện trên địa bàn quận Long Biên có KĐT Thượng Thanh, đang trong quá trình thu hồi đất, rộng hơn 102 ha nhưng cũng chưa có thông tin gì. “Khách thưa thớt, có lẽ tôi sẽ phải đóng cửa mất”- Anh Thành than phiền.

Trong tương lai, Hà Nội sẽ mở rộng địa giới gấp 3 lần hiện nay. Thành phố không chỉ mở rộng về phía tây mà còn phát triển cả về phía đông, bắc hình thành 3 khu đô thị lớn, kết nối với các đô thị vệ tinh thành vùng thủ đô như Bắc Ninh-Bắc Giang-Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng và Vĩnh Phúc.

Một số chuyên gia nhận định, “hội chứng sốt” đất phía tây có thể xem như là một dấu hiệu bất thường, nguyên nhân có thể do tâm lý số đông, ngoài ra có thể đó chỉ là cuộc chạy đua mua bán trên giấy để trục lợi của nạn đầu cơ!?

Với các dự án đô thị triển khai ở những vùng hạ tầng xã hội còn kém, chủ đầu tư phải đặc biệt coi trọng việc xây dựng trường học, bệnh viện, siêu thị nếu muốn nhắm vào đối tượng khách hàng Hà Nội.

Nếu không có sự tính toán, các nhà đầu tư có thể sẽ phải trả giá với một lượng tiền lớn bị treo khi đổ vào các dự án này.

Ông Phạm Sỹ Liêm Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng



Theo Tiền Phong