Hội chứng... nhà ở xã hội

Cập nhật 07/08/2013 15:08

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng về tình hình triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở, tính đến trung tuần tháng 7, trên địa bàn cả nước đã có 47 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.000 tỉ đồng; 16 dự án nhà ở thương mại đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ với quy mô thiết kế ban đầu 4.700 căn hộ.


Về tình hình giải ngân, đến tháng 7, các ngân hàng thương mại đã giải ngân được khoảng 11 tỉ đồng cho 56 khách hàng.

Trước đó theo thống kê của Bộ Xây dựng,  trên cả nước có 56 dự án đề xuất điều chỉnh quy mô căn hộ hoặc chuyển đổi từ nhà thương mại sang xã hội với tổng số 33.000 căn, trong đó chủ yếu là ở Hà Nội và TP HCM. Trong đó, Hà Nội có 14.900 căn, TP HCM khoảng 14.500 căn.

Riêng Hà Nội dự kiến trong năm 2013 sẽ cấp phép chuyển đổi cho khoảng 10 dự án sang nhà ở xã hội trong tổng số 21 dự án xin chuyển từ nhà thương mại sang xã hội.

Đây được coi là hiệu ứng của Nghị quyết số 02 với những chính sách hỗ trợ tích cực cho DN xây dựng nhà ở xã hội. Xét ở góc độ nào đó, đây là điều đáng mừng cho những người có nhu cầu nhà ở thực. Tuy nhiên, dường như đằng sau bức tranh màu hồng đó là những tính toán khác của DN.

Nhìn vào thực tế triển khai cũng như tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở  nhiều người cảm thấy hồ nghi về sự thành công khi chuyển đổi sang nhà ở xã hội. Bởi không ít chủ đầu tư thiếu vốn triển khai đang coi việc chuyển đổi là chiếc phao cứu sinh để hưởng những ưu đãi trong khi các công trình đã thi công đến 10 năm vẫn là bãi đất trống, chưa có nổi móng nhà.

Dư luận  hoài nghi là hoàn toàn có cơ sở bởi thực trạng  hàng tồn kho BĐS vẫn chất cao ngất ngưởng, và giá nhà ở xã hội vẫn cao cũng như khả năng tiếp cận vay vốn còn nhiều bất cập thì các dự án nhà ở xã hội lấy cơ sở nào để thành công?

Nhu cầu nhà ở hiện rất lớn nhưng nhu cầu có khả năng thanh toán lại khá hạn chế. Và như vậy để giải quyết bài toán đầu ra cho nhà ở xã hội thực sự là một thách thức. Trong bối cảnh đó, sự chuyển đổi ồ ạt, đầy toan tính nhưng dường như chỉ có lợi cho các chủ đầu tư mà ít tính đến lợi ích của khách hàng sẽ khó có thể thành công.

Bài học xương máu về hội chứng đám đông đã khiến các DN BĐS phải trả giá, và chuyển đổi sang nhà ở xã hội được coi là phao cứu sinh cuối cùng nhưng sẽ vô ích nếu các DN vẫn “ôm” lợi ích của mình mà không chia sẻ với khách hàng và xã hội.

Hội chứng nhà xã hội dường như là một nguy cơ đang hiện hữu!              
 
DiaOcOnline.vn - Theo Diễn đàn Doanh nghiệp