Nhà tránh lũ: ế vì không đồng bộ
Theo mạng điện tử của TTXVN: Riêng tỉnh Kiên Giang hiện còn khoảng 1.000 căn hộ đã xây dựng xong tại 75 cụm tuyến dân cư vùng lũ nhưng vẫn chưa có dân vào định cư. Do quá lâu không được duy tu và gìn giữ bảo vệ, nên 1.000 căn hộ này đang trong tình trạng bị xuống cấp nghiêm trọng. Một số khu nhà trở thành điểm chăn thả gia súc của dân địa phương, là mục tiêu trộm gỗ, trộm sắt, gỡ mái lợp của kẻ xấu.
Sở dĩ kéo dài tình trạng có nhà nhưng người dân không vào ở là do vừa qua một số ngành chức năng địa phương như: Xây dựng, Giao thông, Điện nước thi công theo kiểu mạnh ai nấy làm, nơi có nhà thì thiếu đường giao thông, thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt và ngược lại, một số nơi có đường giao thông có điện nhưng lại thiếu nhà!
Chợ "chết yểu" vì đón đầu không trúng ?
Theo phản ánh của báo Sài gòn giải phóng và Đài TNVN: Các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng nhiều chợ và trung tâm thương mại nhằm đón đầu nhu cầu của người dân. Song không biết có phải "đón không trúng" hay không mà nhiều chợ đang "thoi thóp". Ví dụ như khu chợ mới rộng 3.000 m2, với gần 100 quầy, sạp nằm ngay khu đất vàng cạnh chợ Cần Thơ Cổ. Tuy ở vị trí tương đối thuận lợi, một mặt sông, một mặt là đường bộ, nhưng sau 3 năm hoạt động, những người xây dựng nên ngôi chợ và 100 tiểu thương nơi đây đã phải "vỡ mộng" vì… chợ buôn bán quá ế ẩm. Từ 100 quầy, sạp buôn bán, đến nay chỉ còn khoảng 10 tiểu thương "cầm cự" qua ngày. Hay như chợ An Lạc, thuộc khu Trung tâm thương mại Đông Bình, xã Đông Bình, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cũng được những nhà hoạch định chiến lược ở đây nhanh chóng cho xây dựng với suy tính đón đầu cầu Cần Thơ và đón đầu khu đô thị sầm uất sẽ được hình thành trong tương lai. Song đã gần 2 năm đi vào hoạt động, đến nay Trung tâm vẫn có rất ít tiểu thương vào buôn bán...
Cụm công nghiệp thì bị các nhà đầu tư chê ?
Thống kê của báo Diễn đàn doanh nghiệp cho biết: Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 111 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 24.000 ha. Cho đến nay chỉ có 5 khu hoạt động tốt. Các khu còn lại thu hút rất ít nhà đầu tư. Nhiều khu công nghiệp cỏ mọc hoang như rừng. Các chuyên gia kinh tế và Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận định: Xây dựng KCN ồ ạt từ tỉnh đến huyện trong thời gian vừa qua mà không xem xét thấu đáo các lợi thế cạnh tranh từng vùng là cực kỳ lãng phí và hậu quả tất yếu là nhiều khu công nghiệp chỉ để cỏ dại mọc. Lẽ ra, các tỉnh phải hợp tác xây dựng những KCN chung, quy mô lớn, có thể giải quyết được vấn đề tiêu thụ nông thủy sản, giải quyết việc làm cho người lao động trong phạm vi khu vực thì mới là tối ưu. Dường như bất chấp lời khuyến cáo của các chuyên gia và không thèm để ý đến thực trạng hàng ngàn ha khu công nghiệp đang bỏ hoang, các địa phương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp tục lên kế hoạch xây dựng thêm các KCN. Theo quy hoạch đến năm 2010, toàn vùng sẽ lập thêm 44 khu, CCN tập trung với gần 18 ngàn ha.
Theo Bộ Tài Nguyên Môi Trường