Hoà Bình: Chưa thành Hà Nội nhưng giá đất đã “tăng trần”

Cập nhật 02/04/2008 14:00

Nhiều diện tích đất nằm ven mặt đường đã được xây tường cao, đóng kín cổng. Dân ở đây nói đó là đất của người Hà Nội mua từ trước, và đặc biệt, khi bốn xã của huyện Lương Sơn có tin được sáp nhập về Hà Nội, đất đai bắt đầu lên giá…

Từ đường Láng - Hòa Lạc rẽ vào khoảng 3km, là một vùng rừng núi, nhưng xã Tiến Xuân được nhận diện bằng “khí thế” đô thị bởi tấm biển xây dựng dự án khu đô thị Tiến Xuân - Hòa Bình. Theo kế hoạch, đây là khu đô thị mới được xây dựng tại hai địa điểm thuộc xã Tiến Xuân và xã Đông Xuân của huyện Lương Sơn (Hòa Bình).

Từ khi nghe chủ trương sáp nhập bốn xã Yên Trung, Yên Bình, Đông Xuân, Tiến Xuân (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) về Hà Nội, đã có nhiều người tìm về nơi đây lùng đất, tìm đường phát triển bằng con đường bất động sản.

Dọc tuyến đường vào địa giới bốn xã này, dịch vụ tư vấn, dịch vụ nhà đất mọc lên đáng kể. Trong vai khách mua, chúng tôi được chủ một trung tâm môi giới nhà đất trấn an, rằng đất thuộc bốn xã sáp nhập về Hà Nội đang lên giá từng ngày. “Mua hôm nay sẽ rẻ, ngày mai anh đến là có giá khác ngay”, anh này cho biết.

Từ khi có thông tin sáp nhập về Hà Nội, người dân thuộc bốn xã này được tiếp xúc nhiều hơn với những vị khách đi tìm hỏi mua đất. Bà Nguyễn Thị Sáu (thôn Đồng Rằng, xã Đông Xuân, Lương Sơn), cho biết, những ngôi nhà cao tầng trong thôn đều do bán đất mà có. Theo bà Sáu, những hộ chưa bán đất thì nhà cửa vẫn lụp xụp, chỉ những gia đình nào bán đất vườn thì mới có “nhà cao cửa đẹp” thôi.

Ở thôn Đồng Rằng, nơi tập trung nhiều đồng bào người Mường sinh sống, hàng năm, người dân vốn dĩ chỉ nhìn vào thu nhập từ cây lúa, chăn nuôi. Tuy nhiên, canh tác thì trông vào nước trời, chăn nuôi cũng chưa mấy phát triển. Thu nhập mỗi năm tính theo đầu người chưa đến mười triệu đồng.



Đất đã được bán và "kín cổng cao tường".


Chỉ tay về những thửa đất ven đường được xây tường bao, cổng đóng kín, bà Quách Thị Định (thôn Lập Thành) cho biết, đó là “đất của người Hà Nội đấy”. Theo bà Định, nhiều diện tích đất ở Đông Xuân đã được người dân kịp sang tên bán trước khi địa phương này được sáp nhập về Hà Nội.

Những thửa ruộng cho thu nhập bèo bọt giờ đây đang là đích ngắm của “cò” bất động sản đổ về ngã giá. Nếu trước đây giá một sào đất bán cao lắm cũng được chục triệu đồng, thì giờ đây mức giá đó đã tăng lên gấp ba, bốn lần, thậm chí cả chục lần, một người dân ở xã Đồng Tiến cho biết.

Tình trạng chuyển nhượng đất đai ở đây không chỉ diễn ra khi có chủ trương sáp nhập bốn xã của huyện Lương Sơn về Hà Nội, theo đó đã có nhiều khu đất nằm ven đường được các “đại gia” đặt cọc, mua hẳn để xây trang trại, biệt thự cho những ngày nghỉ cuối tuần.

Trên dọc tuyến đường vào bốn xã Yên Trung, Yên Bình, Đông Xuân, Tiến Xuân, nhiều khu đất đã được ai đó xây tường bao, dấu hiệu diện tích đất đã được chuyển nhượng. Bên cạnh đó, nhiều số điện thoại giao dịch về bất động sản cũng được viết vội lên từng bờ tường. Khi thấy chúng tôi đến, người dân cứ đinh ninh là vào mua đất, “người khác vào đây chỉ hỏi mua đất, họ quan tâm nhất điều đó thôi”, một người dân ở Đông Xuân cho biết như vậy.

Một người dân ở Yên Bình cho biết, người mua chủ yếu đến từ Hà Nội, thông thường mua hàng trăm mét trở lên để làm trang trại. Như ở Tiến Xuân, hiện nay đã có vài chục khu đất xây tường bao, chờ ngày đẹp là khởi công xây biệt thự.

Cũng mang tiếng là “sốt” đất, nhưng tuỳ từng vị trí mà giá đất mới được “cò” quan tâm đến. Ví như đất trong khu Đồng Rằng, bà Sáu nói lâu lắm rồi không thấy ai hỏi mua. “Hình như vùng tôi có quy hoạch nên chẳng được ai đến ngã giá”, bà Sáu lo lắng. Một người dân ở Đồng Rằng xác nhận, nếu đất nằm ven trục đường thì cũng bán được khoảng trăm triệu đồng một sào.

Tuy nhiên, theo lời người dân ở những xã này, hiện nay chính quyền đã có “lệnh” không được chuyển nhượng đất đai trong khu vực chờ sáp nhập.

Theo Dân Trí