Hỗ trợ tối đa dự án nhà ở cho sinh viên

Cập nhật 27/08/2009 11:45

Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng chỗ ở cho khoảng 100.000 sinh viên.

Chiều 26-8, UBND TP Hà Nội đã họp với một số trường đại học trên địa bàn để khởi động chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho khoảng 100.000 sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục đào tạo tại Hà Nội.

Sức ép rất lớn

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Tuấn, số liệu tổng hợp sơ bộ từ các cơ sở đào tạo trên địa bàn cho thấy, nhu cầu nhà ở cho sinh viên là rất lớn trong khi khả năng đáp ứng của các trường rất thấp. Chẳng hạn, trường ĐH Nông nghiệp có khoảng 12.000 sinh viên có nhu cầu ở ký túc xá nhưng chỉ đáp ứng được chỗ ở cho 3.500 người.

Chưa kể đến hệ thống ký túc xá của trường đã có “tuổi thọ” gần 50 năm (xây dựng từ những năm 1960) hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, chất lượng, điều kiện ở rất kém. Trong tương lai gần (năm 2015), nhu cầu ở ký túc xá của trường còn tăng lên trên 17.000 người nên vấn đề chỗ ở cho sinh viên đang rất bức xúc.

Cũng ở trong tình cảnh tương tự, trường ĐH Ngoại thương đang rất bức bí về chỗ ở cho sinh viên. Ông Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho biết: “Ký túc xá của trường vô cùng chật hẹp, đã hết “đát” sử dụng, xuống cấp trầm trọng, lại chỉ đủ chỗ cho 500 người, tương ứng với... 5% nhu cầu”.

Ông Lê Viết Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Dược còn tha thiết hơn: “Là trường đại học duy nhất nằm trong khu phố cũ, chúng tôi khó trăm bề về mặt bằng, nhất là ký túc xá cho sinh viên. Nỗi bức xúc này đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa giải quyết được...”. Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội kể khổ: “Diện tích trường tương đối rộng nhưng khu ký túc xá vốn xập xệ cũng chỉ chứa được chừng 4.000 sinh viên trong khi số có nhu cầu khoảng 20.000-25.000...”.

Khởi công trong tháng 9


Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thành phố có chương trình đầu tư xây dựng chỗ ở cho khoảng 100.000 sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn. Trong bối cảnh Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội còn đang được tư vấn nước ngoài nghiên cứu, Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ trên địa bàn cũng chưa có, bên cạnh các trường có khả năng xây dựng ký túc xá trong khuôn viên, Hà Nội đã bố trí các dự án nhà ở cho sinh viên quy mô lớn ở các “góc” của thành phố, thuận tiện cho các cụm trường ĐH-CĐ hiện có trên địa bàn.

Tại khu vực phía Nam, Hà Nội dành 3,7 ha đất tại Khu đô thị Pháp Vân-Tứ Hiệp (Thanh Trì) để xây dựng khu ký túc xá cho khoảng 22.000 sinh viên. ở khu phía Tây, thành phố dành 1,7 ha ở khu Mỹ Đình II (Từ Liêm) xây chỗ ở cho 8.000 sinh viên và hơn 2ha ở Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh (Từ Liêm) bố trí cho hơn 10.000 sinh viên. Các dự án này dự kiến sẽ được khởi công ngay trong tháng 9-2009.

“Thành phố sẽ làm dồn dập với tốc độ cao để có thể bàn giao nhà cho sinh viên vào ở trước tháng 6-2011” - ông Phí Thái Bình nói. Cũng theo lãnh đạo UBND TP, Thủ tướng đã bố trí hơn 600 tỷ đồng cho Hà Nội trong năm 2009 để phục vụ đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên.

Thủ tục nhanh nhất có thể

Ý kiến từ lãnh đạo các trường ĐH trên địa bàn cho biết, hầu hết đều đang nắm giữ quỹ đất sạch đã GPMB, thuận tiện cho việc lập dự án ký túc xá. Tuy nhiên, các trường thắc mắc nhiều về thủ tục, quy trình lập dự án đầu tư. Chẳng hạn, ai sẽ là chủ đầu tư dự án, trường sẽ trình dự án cho cơ quan nào duyệt, có phải thông qua Bộ chủ quản không, thủ tục bố trí vốn, giải ngân như thế nào, có được phép chỉ định thầu không?

Giải đáp băn khoăn của các trường, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, dự án ký túc xá sinh viên cần có ý kiến của cơ quan chủ quản song sẽ do Hà Nội quyết định đầu tư. “Các trường sẽ làm chủ đầu tư sau khi được thành phố và Bộ chủ quản chấp thuận” - ông Nguyễn Quốc Tuấn nói.

Cam kết hỗ trợ tối đa các trường thực hiện dự án ký túc xá sinh viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình nói: “Thành phố sẽ xem xét quy hoạch và giải quyết các thủ tục về đầu tư xây dựng, tài chính nhanh nhất có thể. Ngược lại, các cơ sở giáo dục cũng phải đăng ký chính xác kinh phí cần thiết cũng như lộ trình giải ngân và các điều kiện khác để Hà Nội phân bổ vốn kịp thời...”.


DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô