Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hết hạn, người thu nhập thấp phải “cắn răng” vay với lãi suất thị trường để mua nhà
Các doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng sẽ có một gói hỗ trợ mới cho người thu nhập thấp mua nhà nhằm tạo sự phát triển bền vững cho thị trường, trong khi các chuyên gia kinh tế và ngân hàng lại không mặn mà. Họ cho rằng cái gì của thị trường hãy để thị trường tự điều tiết.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM:
Nên có gói hỗ trợ lãi suất trong năm 2017
Vừa qua, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã khẳng định là trong năm 2016 rất khó có gói hỗ trợ lãi suất hay chính sách nào cho nhà ở xã hội (NOXH) vì không có ngân sách. Thậm chí, Bộ Tài chính còn yêu cầu sửa Luật Nhà ở để không có chính sách nào hỗ trợ cho người mua NOXH. Tuy nhiên, hiệp hội và Bộ Xây dựng đã đề nghị Chính phủ cần bố trí ngân sách vốn mồi, hỗ trợ cho NOXH.
Bởi Nghị định 100 năm 2015 của Chính phủ về phát triển NOXH đã nói rõ 2 đối tượng được hỗ trợ gồm người mua nhà và chủ đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến nay chỉ có người mua được hỗ trợ từ gói 30.000 tỉ đồng mà chủ đầu tư thì chưa được. Chúng tôi kỳ vọng năm 2017 sẽ có chính sách mới, khả thi nhằm hỗ trợ người mua nhà.
Hiệp hội thống nhất với ý kiến của Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì xem xét đề xuất bố trí khoảng từ 500-1.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách trong năm 2016 để Ngân hàng Nhà nước có căn cứ tái cấp vốn và cấp bù lãi suất nhằm thực hiện chính sách NOXH. Theo kinh nghiệm của các nước thì Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế xác định lãi suất cho vay dài hạn (khoảng 20 năm) để mua nhà, đặc biệt là người mua căn nhà đầu tiên; đối với nước ta đó là người mua căn nhà đầu tiên với loại căn hộ vừa túi tiền.
![]() HQC Plaza là dự án nhà ở xã hội hoàn thành kịp trước khi gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hết hạn Ảnh: Tấn Thạnh |
Nhu cầu mua nhà xã hội rất lớn
Một khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM thực hiện vừa qua cho thấy có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân tại TP HCM có nhu cầu mua, thuê nhà ở từ nay đến năm 2020. Trong đó, 10.000 hộ là cán bộ công chức; số hộ thu nhập nghèo, cận nghèo: 39.000; số hộ là lao động trong khu công nghiệp: 17.000. Hầu hết các nhóm đối tượng đều chọn phương thức thuê, mua NOXH chiếm tỉ lệ từ 65%-94%. Thực tế hiện nay, nhiều dự án căn hộ giá thấp, dưới 1 tỉ đồng hoặc có thể cho vay hỗ trợ lãi suất luôn luôn được người dân quan tâm. Rất nhiều chủ đầu tư vốn mạnh đã hỗ trợ khách hàng nên dự án bán được tốt hơn. Điều này cho thấy người dân có nhu cầu vay vốn giá rẻ, vay thời gian dài là rất lớn.
Nhu cầu là có thật nhưng ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa vẫn khó có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu thuê, mua nhà ở của người thu nhập thấp. Trong khi đó, gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 30.000 tỉ đồng vừa qua được đánh giá là chưa thành công lắm. Chính vì những quy định quá cứng nhắc đã có trường hợp chủ đầu tư, nhà phân phối lách luật bằng cách tính giá trên hợp đồng thấp hơn giá mua thật để người mua được vay hỗ trợ lãi suất gói 30.000 tỉ đồng.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho biết thực tế các ngân hàng cũng không mặn mà với việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỉ đồng trong thời gian qua. Bởi cơ bản mức cho vay chênh lệch với mức quy định chỉ 1,5%, trong khi đó phải trích lập lại 0,5%, đợi một thời gian sau mới được Ngân hàng Nhà nước hoàn lại. Chưa kể, ngân hàng còn phải có chi phí quản lý. Quan trọng nhất là việc Ngân hàng Nhà nước khống chế room tín dụng 30% thì so với dư nợ hiện tại, con số cho vay giống như “muối bỏ bể”, không thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế của người mua nhà, nếu có thì chỉ là mang tính hình thức...
Các ngân hàng thương mại nếu không được bảo đảm có nhiều quyền lợi thì chắc chắn họ cũng không mặn mà thực hiện nếu có gói hỗ trợ mới. Theo vị tổng giám đốc ngân hàng này, vấn đề quan trọng nhất là Chính phủ cần định hướng đúng, đồng thời chỉ định các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng chính sách xã hội làm đầu mối để hỗ trợ đúng đối tượng, phát huy tích cực gói hỗ trợ để người chưa có nhà có tổ ấm thật sự.