Hồ sơ tăng vọt ở nhiều quận, huyện

Cập nhật 11/12/2009 08:50

Ngay từ ngày 9-12, người dân đã đến các phòng Tài nguyên và Môi trường để tìm hiểu những quy định liên quan đến giấy mới.

Kể từ ngày 10-12, các quận, huyện chấm dứt việc cấp giấy chứng nhận nhà đất cũ và bắt đầu quy trình tiếp nhận hồ sơ cấp giấy mới theo Nghị định 88/2009. Trong ngày này, không khí tại phòng tiếp nhận hồ sơ nhà đất ở nhiều địa phương trở nên nhộn nhịp hơn bình thường.

Chuẩn bị tốt nên không bỡ ngỡ

Bà Bùi Ngô Thị Mỹ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Phú Nhuận, cho biết: “Từ chiều 9-12 đã có một số người dân đến hỏi về các quy định liên quan đến giấy mới. Còn trong hôm nay chúng tôi đã tiếp nhận gần 50 hồ sơ xin cấp giấy, tăng hơn trước đây”. Tương tự, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận 2 Nguyễn Ngọc Sáng nói: “Từ hôm qua chúng tôi đã nhận được khoảng 60 bộ hồ sơ trong khi ngày thường chỉ khoảng hai, ba bộ”.

Chị Nguyễn Thị Hằng (phường An Khánh, quận 2) phấn khởi: “Trước đây, khi nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận, tôi phải lên xuống nhiều lần, rồi chờ nộp kiểm tra nội nghiệp bản vẽ. Còn bây giờ việc cấp giấy theo nghị định mới không cần bước này nữa, chỉ cần đợi ngày đến nhận giấy thôi”.
 

Người dân nộp hồ sơ xin cấp giấy tại quận Bình Thạnh. Ảnh: Linh Giang


Tuy nhiên, không phải ai cũng hớn hở cùng giấy mới. Chị Đặng Thị Như Thùy (quận 4) mang hồ sơ đến UBND quận 4 để làm thủ tục sang tên một căn hộ chung cư nhưng phải mang về. Cán bộ tiếp nhận giải thích bản vẽ trên giấy đỏ cũ chỉ thể hiện vị trí căn hộ trên mặt bằng tổng thể, nay chị phải bổ sung bản vẽ chi tiết căn hộ. Chị Thùy than: “Nếu chỉ cập nhật tên người mua trên giấy cũ mà không cấp giấy mới thì tôi đâu phải mất công”.

Đối với những hồ sơ đủ điều kiện đã nộp trước ngày 10-12, hầu hết các quận đã nhanh chóng rà soát và ký giấy chứng nhận theo mẫu cũ. Ông Sáng cho biết: “Khi tiếp nhận hồ sơ, chúng tôi xem dân có thiếu giấy tờ gì thì yêu cầu bổ sung ngay, có vướng mắc gì thì xin ý kiến lãnh đạo quận để tránh tình trạng ùn tắc hồ sơ”. Lãnh đạo các quận khác như Tân Phú, Gò Vấp... cũng cho biết họ đã chuẩn bị cho giấy mới từ cả tháng trước nên không mấy bỡ ngỡ.

Không phải mọi việc đều thuận lợi

Khó khăn đầu tiên mà các quận vấp phải là phần mềm cấp giấy của Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường một quận lo lắng: “Trước đây, một số quận đã quen sử dụng phần mềm cấp giấy của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM và theo dõi các bước xử lý hồ sơ ngay trên phần mềm. Nay phần mềm của Bộ hầu như chỉ đáp ứng được việc in giấy chứng nhận, còn những khâu còn lại chưa ổn.

Hơn nữa, bao nhiêu dữ liệu mà chúng tôi đã lưu trữ trong phần mềm trước bây giờ chưa biết phải xử lý sao”. Bà Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thạnh, nhận xét: “Việc cấp giấy mới sẽ tốn nhiều thời gian thực hiện. Cán bộ của phòng dù đã được tập huấn sử dụng phần mềm nhưng các thao tác còn chưa thành thạo”.

Bà Bùi Ngô Thị Mỹ thì băn khoăn về thời hạn kiểm tra hồ sơ trong Nghị định 88/2009. Theo đó, phòng chỉ có ba ngày làm việc để kiểm tra và nếu cần bổ sung thì phải thông báo bằng văn bản cho người dân. “Các bước lưu trữ, chuyển qua thẩm định, kiểm tra độ chính xác của một bộ hồ sơ đòi hỏi phải có nhiều thời gian hơn. Nếu thời hạn ngắn quá sẽ gây áp lực cho cán bộ, đến khi trễ hẹn lại gây bức xúc cho người dân” - bà Mỹ nói.

Ở các quận trước đây thực hiện quy trình liên thông với phường cũng có sự thay đổi. Bà Lâm Lệ Khanh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận 4, nói: “Lúc trước, người dân nộp hồ sơ ở phường để được phường xác nhận, sau đó hồ sơ mới được chuyển về quận. Nay họ phải nộp hồ sơ tại UBND quận nên chúng tôi phải tăng cường thêm người ở tổ tiếp nhận hồ sơ. Sau đó lại phải cần thêm người để chuyển hồ sơ từ quận xuống 15 phường”.

Hà Nội: Lập hội đồng xét cấp giấy ở phường, xã

Thực hiện quy định mới, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Hà Nội chỉ thực hiện việc cấp giấy và đăng ký biến động trên giấy cho nhà đất đối với tổ chức. Các nội dung liên quan đến cá nhân đều chuyển về cho quận, huyện.

Cuối buổi sáng, khá đông người dân đến nơi tiếp nhận hồ sơ nhà đất quận Ba Đình để làm thủ tục. Một cán bộ ở đây cho biết quận tạm thời chưa nhận hồ sơ của các cá nhân chuyển nhượng nhà đất mà giấy tờ nhà đất đó đã đăng ký ở Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP. Ông Vũ Văn Dụ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ba Đình, cho biết đơn vị vẫn chưa nhận được hướng dẫn về trường hợp trên.

Một quy định mới trong việc cấp giấy cho nhà đất ở Hà Nội là các phường, xã phải thành lập hội đồng xét cấp giấy chứng nhận. Thành phần hội đồng bao gồm: Lãnh đạo phường, cán bộ địa chính, cán bộ trật tự xây dựng, đại diện Mặt trận Tổ quốc, cán bộ tư pháp, trưởng công an, tổ trưởng tổ dân phố nơi cấp giấy chứng nhận. Dựa trên biên bản của hội đồng, UBND phường, xã công bố công khai kết quả kiểm tra và chuyển hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp quận, huyện.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP