Hồ sơ nhà đất chạy đua với khung giá mới

Cập nhật 06/12/2008 12:26

Chỉ vài ngày hay tin giá đất năm 2009 sẽ tăng 10-100%, lượng người dân TP HCM đến Phòng Tài nguyên môi trường để nhận hồ sơ tăng mạnh. Ai nấy cũng muốn tranh thủ nộp tiền sử dụng đất theo giá cũ.

Khung giá đất mới (có hiệu lực từ ngày 1/1/2009) sẽ tăng 10-100% tùy vị trí tuyến đường và tùy loại đất. Bảng giá mới có ưu điểm sẽ tiếp cận với giá đất thực tế trên thị trường, tác động tốt tới công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án với khung giá hỗ trợ người bị thu hồi đất tốt hơn.

Song khung giá đất mới tăng lên cũng khiến tiền sử dụng đất và các khoản thuế sẽ đội lên nhiều hơn, ảnh hưởng đến đại bộ phận người dân làm giấy tờ nhà đất hoặc bị ghi nợ tiền sử dụng đất. Vì vậy, từ đầu tháng 12 đã có hiện tượng người dân đua nhau rút hồ sơ nhà đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính theo khung giá đất năm 2008.

Thống kê của Phòng Tài nguyên môi trường quận Tân Phú, từ ngày 1 đến 4/12, số lượng người dân đến nhận hồ sơ nhà đất tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với thời điểm cuối tháng 11. Cụ thể, lượng hồ sơ nhà đất giao trả cho người dân đột ngột tăng từ 100 hồ sơ lên thành 170-200 hồ sơ mỗi ngày. Trước đó, tình trạng ngâm hồ sơ tại quận này khá nhiều. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày đầu tháng 12, khi thông tin giá đất mới có thể điều chỉnh nhích lên 10-100%, lượng người dân đến nhận hồ sơ tồn đã tăng đột biến.

Nhân viên phòng tài nguyên môi trường quận Tân Phú giải thích, dân đến nhận hồ sơ nhà đất đều có cùng mục đích tranh thủ đóng thuế, đóng tiền sử dụng đất nhằm chạy đua với thời điểm áp dụng các khoản nghĩa vụ tài chính về nhà đất tăng lên vào ngày 1/1/2009.

Tương tự, sàn giao dịch bất động sản ACBR cũng tăng nhu cầu dịch vụ thủ tục pháp lý nhà đất so với trước đó. Thống kê của ACBR, trong tháng 10 chỉ có 23 trường hợp khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý nhưng tháng 11 đã lên đến 34 trường hợp. Riêng trong 4 ngày đầu tháng 12, số hồ sơ sử dụng dịch vụ hỗ trợ pháp ly đã gần 10 trường hợp.

Tổng giám đốc sàn giao dịch bất động sản ACBR Phạm Văn Hải nhận định, trong khi chờ đợi khung giá đất mới năm 2009 sắp áp dụng, nhiều người đã tranh thủ hoàn tất thủ tục pháp lý nhà đất với kỳ vọng được áp dụng mức thuế thấp hơn. Đơn cử như các trường hợp chuyển quyền sử dụng, cho, tặng, thừa kế, định giá đã bắt đầu tăng tốc.

Trường hợp của quận 7 lại khác hẳn. Dù là khu vực sẽ có khung giá đất mới tăng 50-100% so với năm ngoái nhưng lượng hồ sơ tồn cả năm vì nợ tiền sử dụng đất tại đây khá nhiều. Theo chuyên viên của Phòng tài nguyên môi trường quận 7, sở dĩ người dân không đến nhận vì không đủ khả năng thanh toán khoản tiền này.

Khung giá đất mỗi năm một tăng lên là gánh nặng khiến cho người nợ tiền sử dụng đất không cáng đáng nổi khoản phí này. Bởi lẽ, khi giá đất do thành phố quy định leo thang thì các nghĩa vụ tài chính của người dân cũng bị tăng lên theo quy tắc tỷ lệ thuận. "Thông thường các trường hợp nợ tiền sử dụng đất thuộc diện không có khả năng chi trả. Vì vậy, khi khung giá đất cứ tăng dần thì người dân càng bế tắc", nhân viên phòng thu nhận hồ sơ nhà đất quận 7 cho hay.

Trong khi đó, tình hình giao nhận hồ sơ nhà đất tại quận 2, 5, Tân Bình (nơi sẽ có biến động so với giá đất năm 2008) vẫn chưa có biến chuyển mới. Theo phòng giao nhận hồ sơ tại các quận này, nhiều khả năng vào trung tuần tháng 12, khi giá đất mới chính thức được công bố rộng rãi sẽ thúc đẩy người dân nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ tài chính với giá cũ.



Người dân chờ báo tình trạng hồ sơ nhà đất tại
Phòng tài nguyên môi trường quận 7. Ảnh: Vũ Lê.


Giám đốc Trung tâm thông tin Tài nguyên môi trường và đăng ký nhà đất TP HCM, ông Phạm Ngọc Liên cho biết, hiện nay HĐND TP HCM vẫn chưa công bố giá đất năm 2009 nên sức ảnh hưởng đối với người dân chưa sâu rộng. Tuy nhiên, ông Liên khẳng định rằng, theo thông lệ hằng năm, cứ vào thời điểm cận Tết và sau khi khung giá đất mới của TP HCM được công bố thì lượng hồ sơ nhà đất tại trung tâm sẽ tăng cao và có biến động mạnh.

Trao đổi với VnExpress.net về việc này, Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Hoàng Quân, ông Trương Thái Sơn cho biết: "Xét dưới góc độ nền kinh tế thị trường, khung giá đất do nhà nước ban hành hàng năm tiến gần đến giá thực tế là hoàn toàn hợp lý".

Tuy nhiên theo chuyên gia này, song song với việc ban hành khung giá đất mới, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho đại bộ phần người dân được hưởng mức thuế ưu đãi khi thực hiện nghĩa vụ tài chính. Riêng đối với doanh nghiệp thuê đất, thành phố cần linh hoạt áp dụng mức thuế hợp lý hơn để kích thích đầu tư vì thị trường địa ốc nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung đang suy thoái.

Thống kê của Công ty thẩm định giá Hoàng Quân, nếu khung giá đất được ban hành theo đúng tờ trình của UBND TP HCM, giá đất của thành phố vẫn còn vênh trung bình 4-6 lần so với giá thị trường.

Theo đó, giá đất 3 tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ sắp là 81 triệu đồng mỗi m2 vẫn chênh lệch 3-4 lần so với giá trị thực tế. Trên thị trường, đất các tuyến phố này có giá trung bình 250-300 triệu đồng mỗi m2. Thậm chí thời điểm sốt đất còn vượt mốc 300 triệu đồng. Tương tự, đất quận 2 tuy trong khung giá mới tăng 100% nhưng vẫn thấp hơn 5-6 lần so với giá chuyển nhượng. Tương tự, đất quận 7 và khu vực lân cận đô thị Phú Mỹ Hưng trong khung giá mới vẫn còn cách xa giá trị giao dịch thực tế đến 4 lần.

>Giá đất TP.HCM năm 2009: Vẫn quá thấp so với giá thị trường


DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress