Hồ Gươm - Nén bao nhiêu thì đủ?

Cập nhật 27/11/2014 11:54

Khoảng không gian Hồ Gươm vốn dĩ đã khá “khó thở” bởi các tòa cao ốc nay dường như lại càng chật chội hơn khi Hà Nội quyết tâm xây dựng Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm ngay tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, cao 3 tầng nổi và 1 tầng hầm.

Dồn nén

Thông tin từ UBND quận Hoàn Kiếm - chủ đầu tư của dự án - cho biết khu đất được dự tính xây Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm nằm tại số 2 phố Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, giáp Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tiếp nối đầu hồi tòa nhà Long Vân - Hồng Vân, phía Bắc giáp các nhà hộ dân liền kề.

Theo phê duyệt, diện tích đất của công trình là 242,2m2, tổng vốn đầu tư khoảng 10,3 tỷ đồng, có quy mô 3 tầng nổi, 1 tầng hầm và tum thang. Chiều cao đến điềm mái công trình chính là 10,1m, đến đỉnh tum thang là 13,6m, thấp hơn chiều cao cho phép dưới 16m. Mật độ xây dựng chỉ hơn 64% (thấp hơn mật độ xây dựng theo quy định không quá 80%).

Tầng 1 của công trình cơ bản để trống tổ chức không gian mở cảnh quan. Tầng 2 làm nơi trưng bày hiện vật và thông tin về Hồ Gươm. Tầng 3 là các phòng họp, hội thảo và nơi làm việc của cơ quan quản lý. Phân tích về mức độ ảnh hưởng của công trình, ông Lâm Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết khu đất này nằm trong vùng phụ cận của Hồ Hoàn Kiếm, không nằm trong phạm vi khoanh vùng di tích Hồ Hoàn Kiếm, do đó sẽ không ảnh hưởng đến cảnh quan, không gian chung của Hồ.

Trên thực tế, không phải đến bây giờ công trình này mới gây ra những tranh cãi giữa cơ quan chức năng, người dân và các chuyên gia quy hoạch. UBND TP Hà Nội đã từng phải ra văn bản tạm đình chỉ thi công dự án vào đầu năm 2014 khi dự án mới bắt đầu khởi công bởi sự phản đối quyết liệt của người dân và các chuyên gia.

Cần không gian mở

Tại hội thảo về bảo tồn Hồ Gươm tổ chức hơn 1 tháng trước, các chuyên gia đô thị đã phản ứng rất mạnh mẽ trước cảnh quan, không gian tệ hại và ngày một xuống cấp quanh Hồ Gươm. Chỉ tính một đoạn ngắn từ Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đến đền Bà Kiệu, Hồ Gươm như bị vùi lấp bởi bãi đỗ xe, bến xe buýt, các cửa hàng kinh doanh san sát đến nỗi gần như che khuất cả lối vào các di tích.

Chưa kể ngay cạnh lô đất Hà Nội dự tính xây trung tâm văn hóa đang bị bao vây bởi các tòa nhà cao tầng được dựng lên san sát tạo thành vành đai án ngữ. Theo kiến trúc sư Nguyễn Xuân Anh (Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Bộ Xây dựng), không gian Hồ Gươm đang thực sự quá tải bởi tiếp tục phải là trung tâm đáp ứng nhu cầu công cộng của một thủ đô đã mở rộng. Chưa kể sắp tới, ga tàu điện ngầm cũng dự kiến sẽ đặt ở đây. Chính vì thế, không gian vốn đã đầy ắp lại càng trở nên nghẹt thở bởi các công trình là việc hoàn toàn không nên.

Không gian quanh Hồ Gươm ngày càng chật chội.

Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, khu đất đó dành cho không gian công cộng, phục vụ cộng đồng là đúng đắn. Vấn đề là xây dựng trên đó cái gì. Theo phương án của quận Hoàn Kiếm cũng có thể tạm chấp nhận, tuy nhiên từ phương án lý thuyết đến thực tế là cả một khoảng cách.

Việc đặt bất cứ công trình nào quanh Hồ Gươm cũng cần phải thận trọng, chính vì vậy Hà Nội cần phải rõ ràng, minh bạch trong việc thiết kế cũng như mục đích, chức năng của công trình. Nhiều chuyên gia về đô thị, kiến trúc cũng bày tỏ quan điểm rằng, việc xây dựng thêm một công trình quanh Hồ Gươm là không cần thiết, chưa bàn đến việc phá vỡ cảnh quan hay không, thì việc tăng thêm sức nén cho Hồ Gươm vốn dĩ đã quá chật chội sẽ góp phần làm cho cảnh quan của khu vực này ngày một xuống cấp.

Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhiều năm về trước, khi bị phản đối TP Hà Nội đã đồng ý với phương án sẽ không xây thêm công trình mà sẽ mở rộng không gian. Theo đó, khu đất ở số 2 Lý Thái Tổ lý tưởng nhất phải là không gian công cộng như vườn hoa, công viên.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư