“Hô biến” rừng thành thổ cư

Cập nhật 18/12/2017 09:52

Kế hoạch 437 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc quản lý và bố trí sử dụng hơn 63.000ha đất có nguồn gốc lấn chiếm đất rừng từ năm 2004-2010 được tỉnh thu hồi của các nông lâm trường, giao về cho địa phương quản lý, bố trí sử dụng và giao chỉ tiêu cho các huyện, thị xã thực hiện công tác đo đạc, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với diện tích nêu trên.

Một vụ hô biến đất rừng thành thổ cư ở Ba Vì (Hà Nội). Ảnh minh họa, nguồn: Tiền Phong.

Dù kế hoạch ban hành năm 2014 nhưng trước khi có kế hoạch này, nhiều địa phương đã tự ý “xé rào” cấp GCNQSDĐ với diện tích hàng nghìn hécta.

Qua rà soát ngành chức năng phát hiện hơn 3.200ha đất được cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân trước khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch 437. Diện tích đất này sau đó được cấp giấy chứng nhận cho 3.109 hộ gia đình, cá nhân, qua đó cũng phát hiện có 213 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trên địa bàn tham gia cấp đất". Để làm rõ trách nhiệm đối với các CBCCVC có sai phạm trong việc thực hiện cấp GCNQSDĐ đối với đất lấn chiếm đất rừng từ năm 2004, tỉnh Đắk Nông giao các huyện, thị xã thực hiện kiểm tra, rà soát, lập danh sách các hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy chứng nhận; đồng thời xác nhận các CBCCVC tham gia trong quá trình cấp giấy chứng nhận; làm rõ nguyên nhân vi phạm; đề xuất hình thức xử lý vi phạm của từng cá nhân, tổ chức.

Trong báo cáo kết quả giám sát công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh của HĐND tỉnh Đắk Nông tiếp tục chỉ rõ nêu nhiều bất cập của Kế hoạch bố trí hơn 63.000ha đất có nguồn gốc đất rừng theo Kế hoạch 437. Cụ thể, sau khi ngành chức năng rà soát lại, diện tích đất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng có nguồn gốc lấn chiếm đất rừng từ năm 2004-2010 đủ điều kiện xét cấp GCNQSDĐ dôi ra đến 55% so với diện tích của kế hoạch. Như vậy, số diện tích đất có nguồn gốc đất rừng còn lại (35.000ha - PV) chưa đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ hoặc có sự báo cáo thiếu, chưa chính xác của các địa phương.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Đạo - Trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh, cho biết, Kế hoạch 437 chỉ xử lý diện tích lấn chiếm đất rừng từ năm 2004-2010 nhưng các huyện, thị xã chưa đối chiếu với diện tích đất rừng tại địa phương bị giảm từ năm 2004-2010 là bao nhiêu hécta, dẫn đến số liệu thực tế triển khai thiếu chính xác. Sự thiếu chặt chẽ như vậy, cũng là một “sơ hở” dễ bị chính quyền cơ sở lợi dụng tiếp tục “hô biến” những mảnh rừng ít ỏi còn lại ở Tây Nguyên.


DiaOcOnline.vn - Theo Lao động