Thời gian gần đây thị trường BĐS đã xuất hiện xu hướng không "ăn theo" quy hoạch, điển hình là tại khu vực 2 bên cầu Nhật Tân.
Bởi cho đến thời điểm này, thông tin về quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài đã được công bố, nhưng BĐS khu vực này không hề "sốt nóng". Giá đất "nhảy múa" có chăng chỉ là lời đồn thổi, chiêu trò của "cò đất".
Khách hàng thận trọng hơn
Thị trường từng chứng kiến "sức nóng" của nhà, đất và giá cả tăng mạnh vào đầu quý II/2010 khi đồ án "Quy hoạch Hà Nội mở rộng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050" được công bố. Với thông tin Trung tâm hành chính quốc gia sẽ được xây dựng tại Ba Vì, đất nơi đây lập tức lên "cơn sốt". Giá cả tăng vọt từ 100 - 150 triệu đồng lên 250 - 400 triệu đồng/sào Bắc bộ (360m2). Tương tự, theo Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô, trên địa bàn huyện Đông Anh có các trung tâm tài chính quốc tế, Trung tâm triển lãm quốc tế... cầu Nhật Tân được xây dựng, đất khu vực này tăng giá chóng mặt.
Sau khi công bố quy hoạch, khu vực đất Nhật Tân - Nội Bài không sốt giá nhà. Ảnh: Phạm Hùng |
Theo báo cáo của Hiệp hội BĐS Việt Nam vừa công bố, lượng giao dịch BĐS trong tháng 3 và quý I/2015 đã tăng rất cao. 3 tháng đầu năm nay, tại Hà Nội ghi nhận 4.250 giao dịch thành công, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2014 và chỉ riêng tháng 3 có tới 1.500 giao dịch. Tại TP Hồ Chí Minh, giao dịch thành công quý I cũng đạt ở mức cao 3.950 giao dịch, tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước và riêng tháng 3 đạt 1.400 giao dịch. Lượng tồn kho giảm gần 58.000 tỷ đồng, còn khoảng trên 70,7 ngàn tỷ đồng. |
Ông Nguyễn Đình Cương - Giám đốc kinh doanh Công ty Hateco cho rằng, Hà Nội hiện không giống như giai đoạn 2009 - 2010, những thông tin quy hoạch không thể tác động ngay đến nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thị trường vẫn đang trong giai đoạn xây dựng những tiêu chí mới, tái khởi động niềm tin vào thị trường, người mua thường quyết định dựa trên giá trị thực, tiến độ, chất lượng sản phẩm… "Cuộc chơi hiện là của những DN có tài chính mạnh và tầm nhìn dài hạn. Việc thông cầu Nhật Tân cũng như quy hoạch và phát triển hạ tầng hai bên đường sẽ kết nối cùng ven vào trung tâm, đa dạng sản phẩm BĐS khu vực phía Bắc TP. Song nhìn lại trường hợp cầu Nhật Tân từ khi hợp long đến đi vào hoạt động, đất khu vực xung quanh không xảy ra "cơn sốt" nào, thì không có cớ gì một quy hoạch chưa được phê duyệt lại có thể tạo ra cơn sốt đất" - ông Cương nhấn mạnh.
Mặt khác, nhằm hạn chế mua bán giao dịch lộn xộn, gây ảnh đến quy hoạch, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng công trình trong phạm vi ranh giới Đồ án quy hoạch; Không để xảy ra tình trạng chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép; Không giới thiệu địa điểm lập dự án đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết, cấp phép xây dựng; Thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch, cơ chế đầu tư và quy định của pháp luật. Do đó, đây có lẽ là lý do không "sốt" đất quanh khu vực Nhật Tân - Nội Bài nói riêng, các vùng nằm trong đồ án phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng nói riêng.