Thông tin mới nhất từ Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, cơ quan này đang tiến hành lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Với mục tiêu nhấn mạnh tới việc quản lý, kiểm soát hoạt động phát triển đô thị tại các địa phương trên cả nước, bản dự thảo đưa ra tới 16 sửa đổi. Đáng chú ý trong đó là việc bổ sung thêm một số quy định về cơ cấu hoạt động, quyền hạn và thẩm quyền của các ban quản lý khu vực phát triển đô thị trong việc đề xuất, xem xét và điều phối, quản lý, giám sát về quy hoạch đô thị trong cả một vùng.
Nhìn một cách tổng quan, việc Ban soạn thảo nhấn mạnh vào vấn đề hoạt động của các ban quản lý, một vấn đề đã được nhiều chuyên gia kiến nghị từ lâu là việc làm được đánh giá cao.
Tuy nhiên, có nhiều vấn đề cần phải bàn tới trong việc sửa đổi lần này.
Kỳ vọng ban đầu khi ban hành Nghị định 11/2013 là nhằm hướng tới vai trò phân loại các dự án đô thị trong một vùng. Từ đó, có thể ra đề xuất, xem xét quyết định cho dừng, tạm dừng hoặc cho phép một dự án bất động sản được triển khai tiếp dựa trên nguyên tắc cơ bản phù hợp phân khu, đảm bảo yêu cầu về mặt bằng hạ tầng cơ sở giao thông theo luật pháp quy định và chủ đầu tư có năng lực đảm bảo hoàn thành các dự án đúng tiến độ, chất lượng.
Tuy nhiên, thực tế, sau gần 3 năm Nghị định 11/2013 được thực thi, những kỳ vọng đó gần như không được đáp ứng.
Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, đã có 33 tỉnh tiến hành lập chương trình phát triển đô thị, 12 tỉnh lập khu vực phát triển đô thị, 10 tỉnh đang triển khai thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị.
Với số lượng ít ỏi như vậy, có thể thấy, các địa phương vẫn chưa chú trọng nhiều tới việc hình thành các ban quản lý phát triển đô thị. Chưa kể, một thực tế đáng buồn là các ban quản lý đã được thành lập hoạt động cũng không hiệu quả. Hầu như các cơ quan này chưa bao giờ có một quyết định “cho dừng” hoặc “tạm dừng” một dự án vi phạm về quy hoạch nào, mà chỉ dừng lại ở mức “có ý kiến”. Sau đó là xử lý theo kiểu “phạt cho tồn tại”.
Một trường hợp điển hình của câu chuyện này là Dự án Discovery Complex, 302 Cầu Giấy, Hà Nội.
Được biết, quy hoạch thiết kế ban đầu của dự án này theo Giấy phép số 65/GPXD do Sở Xây dựng Hà Nội cấp ngày 14/5/2009 gồm 5 tầng hầm thông nhau, 5 tầng khối đế thông nhau, 1 tầng cây xanh và khu văn phòng - chung cư cao cấp với tổng số 54 tầng. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã tự ý xây cơi nới thành khối đế 8 tầng, vượt 3 tầng so với giấy phép.
Vi phạm tại Dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy chỉ bắt đầu lộ diện vào tháng 10/2015. Xử lý vi phạm này, UBND phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội ra quyết định đình chỉ thi công, xử phạt 80 triệu đồng, nhưng đồng thời cũng kèm yêu cầu “buộc” Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Dịch vụ Cầu Giấy, chủ đầu tư dự án làm thủ tục xin điều chỉnh giấy phép xây dựng trong thời hạn 60 ngày. Đáng lưu ý, dự án này cũng có liên quan đến đơn vị phát triển Dự án 8B Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội, dự án có nhiều sai phạm.
Không chỉ 2 công trình trên, tình trạng xây vượt tầng, sai phép còn diễn ra tại nhiều dự án khác như Đại Thanh, Khu đô thị HH1, HH2 Linh Đàm của đại gia Lê Thanh Thản, hay Sky City 88 Láng Hạ… Tuy nhiên, hiện chỉ mới có dự án 8B Lê Trực là bị xử lý nghiêm là bị cắt ngọn.
Trở lại với bản Dự thảo sửa đổi Nghị định 11/2013, dù đưa ra tới 16 sửa đổi, nhưng gần như các sửa đổi này chỉ mang tính kỹ thuật, trong khi các nội dung chính về việc làm rõ quyền hạn thực sự của các ban quản lý phát triển đô thị vẫn chưa làm được.
Nếu Nghị định được ban hành như dự thảo, thì câu chuyện về quản lý quy hoạch đô thị vẫn sẽ khó tìm ra một lời giải phù hợp. Và câu chuyện “mạnh ai nấy làm” xem ra khó chấm dứt.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản