Gánh nặng chống lạm phát đang đè lên vai các ngân hàng. Một gánh nặng khác, là bất động sản thế chấp lên tới 50% tổng tài sản hệ thống ngân hàng, trong khi thị trường bất động sản đang “xì hơi”. Ông Lê Xuân Nghĩa, vụ trưởng vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, ngân hàng Nhà nước trao đổi với Báo giới xung quanh những vấn đề trên
* Ông nhận xét thế nào về áp lực chống lạm phát đang đè lên hệ thống ngân hàng hiện nay?
Không nên quá nôn nóng về chống lạm phát mà xiết chặt tiền tệ quá mức làm tính thanh khoản ngân hàng thương mại yếu đi và rủi ro tăng lên. Chúng ta phải chấp nhận chống lạm phát từ từ trong điều kiện khủng hoảng kinh tế thế giới có thể xảy ra. Vì vậy, vừa chống lạm phát vừa chống khủng hoảng, vì thế phải có nhiệm vụ vừa chống lạm phát vừa bảo vệ bằng được tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại.
Chính phủ và ngân hàng Nhà nước (NHNN) có quan điểm như thế thì có thể qua được, còn nếu sốt ruột muốn làm nhanh, muốn đưa lạm phát về dưới mức năm ngoái, hoặc giảm tín dụng năm ngoái ở mức 54% về bằng được 30% trong năm nay, thì tính thanh khoản của ngân hàng thương mại sẽ khó khăn rất nhiều. Điều này là do dư chấn tăng trưởng tín dụng năm ngoái bây giờ mới vào cuộc sống.
* Thưa ông, hiệp hội Ngân hàng vẫn muốn áp dụng trần lãi suất. Ông nhận xét như thế nào về việc này?
Hiệp hội Ngân hàng có ý tốt là muốn lãi suất thấp hơn một chút. Nhưng không thể cùng lúc làm hai mục tiêu là vừa thắt chặt tiền tệ vừa để lãi suất thấp. Mặt khác, không thể bắt các ngân hàng lớn bé với mức độ rủi ro khác nhau có cùng mức lãi suất huy động. Trong khi đó, tương tự như vậy, hai doanh nghiệp khác nhau sẽ vay với lãi suất cao thấp khác nhau.
Vì vậy, chủ trương bỏ trần lãi suất là đúng. Nhưng có điều phải cân nhắc. NHNN nên duy trì trần lãi suất tiền vay đến tháng 6. Như thế ổn nhất vì các ngân hàng nhỏ không thể huy động vốn với lãi suất thấp, trong khi các ngân hàng lớn vẫn có tiền gửi và đủ vốn.
Xét về định tính, cho vay KD BĐS chỉ
bằng 10% tổng tài sản ngân hàng. Tuy
nhiên, BĐS thế chấp lên tới khoảng 50%
tổng tài sản ngân hàng, nghĩa là bằng
GDP Việt Nam. Vì vậy, nếu thị trường
BĐS sụp đổ là nguy hại ngay toàn bộ
hệ thống tài chính.