Sáng 19-4, HĐND TP Hà Nội tập trung bàn về kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và giải pháp của TP đảm bảo tăng trưởng đến cuối năm. Nhiều đại biểu lo lắng trước nguy cơ đất nông nghiệp bị "xẻ thịt", nhưng cũng vui mừng khi lãnh đạo TP hứa hẹn đổi mới công tác điều hành để đảm bảo tăng trưởng và thay đổi thứ bậc chỉ số xếp hạng cạnh tranh.
Không hạ chỉ tiêu tăng trưởng!
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo thừa nhận: trong công tác điều hành của TP quí 1-2008 vẫn còn một số hạn chế khi mức tăng giá cao hơn mức tăng giá của cả nước (Hà Nội 9,33%, cả nước 9,1%). Tuy nhiên theo ông, không vì những hạn chế này mà hạ chỉ tiêu tăng trưởng của cả năm, hay lo ngại không hoàn thành.
Chủ tịch UBND TP cũng thừa nhận những vấn đề cử tri bức xúc như giá cả tăng nhanh, dự án kéo dài mãi không xong, hè đường lộn xộn là những tồn tại cần phải nhanh chóng chấn chỉnh. Trách nhiệm trên thuộc các ngành và đơn vị được trực tiếp giao nhiệm vụ quản lý. Ông dẫn chứng: ngay chủ trương cải tạo, nâng cấp các công viên để hi vọng nơi đây thật sự trở thành điểm vui chơi, giải trí của người dân TP nhưng khi giao các đơn vị tham gia cải tạo thì kết quả chưa như mong đợi.
Theo đó, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đề ra một loạt giải pháp, mục tiêu để đảm bảo tăng trưởng và kiềm chế lạm phát. Đó là hạ chỉ số tăng giá trong các quí tới, cải thiện môi trường đầu tư để thay đổi thứ bậc trong xếp hạng năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt phải quyết liệt hơn trong thay đổi nề nếp, đơn giản hóa các thủ tục để cải cách hành chính thật sự trở thành khâu đột phá của TP, chỉ có như vậy mới hi vọng chuyển biến đều trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời phải rà soát việc phân cấp ở một số lĩnh vực để chấn chỉnh các tồn tại và khắc phục bất cập trong quá trình thực hiện.
Nỗi lo "xẻ thịt" đất nông nghiệp
Theo ông Vũ Hồng Khanh - phó chủ tịch UBND TP, từ năm 2001-2005 bình quân mỗi năm Hà Nội đã "hi sinh" khoảng 1.000ha đất nông nghiệp để phát triển. Kế hoạch sử dụng đất trong năm năm 2006-2010, Hà Nội cần thêm 6.409ha đất nữa, trong đó từ năm 2006 đến cuối năm 2008 sử dụng hết 3.462ha, còn lại 2.947ha cho giai đoạn 2009-2010.
Theo báo cáo thẩm tra của HĐND TP Hà Nội, trong những năm qua kế hoạch sử dụng đất của TP đã ngốn khá nhiều đất nông nghiệp, không những thế việc sử dụng đất đang mất cân đối nghiêm trọng. Báo cáo chỉ rõ: giai đoạn 2001-2006 Hà Nội đã giao đất vượt chỉ tiêu ở một số lĩnh vực như sản xuất kinh doanh (vượt 124,4%), đất trụ sở (vượt 94,5%)... trong khi đó các lĩnh vực về đất giao thông và hạ tầng xã hội lại đạt rất thấp (giao thông mới đạt 52,3%, cơ sở giáo dục 52,2%, đất mục đích công cộng 57,3%).
Về vấn đề này, ông Lê Văn Hoạt - trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP - đặt câu hỏi: "Tại sao đất kinh doanh và trụ sở lại vượt chỉ tiêu so với kế hoạch? Phải chăng đất để sản xuất kinh doanh và đất trụ sở gắn với lợi ích cụ thể của từng doanh nghiệp, cơ quan nên được họ quan tâm xúc tiến tiến độ giao đất hơn; còn đất xây dựng hạ tầng xã hội gắn với lợi ích công nên lâm vào tình trạng không đơn vị nào chịu đứng ra triển khai?...".
Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội đang ngày một thu hẹp lại với tốc độ đáng sợ. Cụ thể, theo kế hoạch sử dụng đất năm năm 2006-2010 do UBND TP đề xuất là 6.454ha thì có đến 5.855,7ha lấy từ đất nông nghiệp.
Báo cáo chỉ rõ: cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để hạn chế thấp nhất việc lấy mất tư liệu sản xuất của một bộ phận người nông dân ngoại thành. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Ngô Ny đề nghị TP cần tính toán kỹ kế hoạch sử dụng đất, không nên lấy cái lợi phát triển trước mắt mà hứng chịu cái hại là phải khắc phục hậu quả kéo dài của việc mất đất nông nghiệp. Mặt khác, nhằm hạn chế việc lấy đất nông nghiệp để phát triển, TP cần cương quyết thu hồi đất từ những dự án "treo" để có quĩ đất dành cho các dự án bức thiết khác...
Không thông qua phương án bán biệt thự
Thường trực HĐND TP cho biết HĐND đã nhất trí không thông qua nghị quyết về phương án bán biệt thự vì chưa trình được giá bán cụ thể. Đồng thời HĐND thông qua phương án sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính của TP. Theo đó, Hà Nội sẽ chỉ còn 19 sở và cơ quan tương đương sở, giảm bớt sáu sở và đơn vị. Cụ thể, sẽ có chín sở giữ nguyên và 16 sở, cơ quan tương đương phải sáp nhập.