Thành phố nên chọn một công trình khởi công đúng ngày, nghiệm thu đúng ngày, không phát sinh kinh phí… để thưởng. Tôi chưa thấy một công trình như thế”, đại biểu Bùi Thu An hâm nóng phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp HĐND TP Hà Nội chiều 10/3.
Sai phép 4 tầng, có chặt…4?
Đại biểu Bùi Thị An góp ý với bản báo cáo của UBND TP là không thể viết “năng lực cán bộ ở một số quận huyện còn kém”. Cách đề cập chung chung như vậy sẽ khiến cán bộ quận Hai Bà Trưng tưởng rằng cán bộ quận Đống Đa yếu, huyện Thanh Trì tưởng Đông Anh yếu và ngược lại… Cũng theo bà An, giải pháp để khắc phục cũng không làm rõ được vấn đề cán bộ kém thì phải có biện pháp gì cụ thể, phải đào tạo lại hay thậm chí phải kỉ luật.
Chuyến sang vấn đề cổ phần hoá, bà An cho rằng, đây là vấn đề lớn và thành phố cần có sự quan tâm, giám sát chặt chẽ. Đã từng có những sự mập mờ tại một số công ty được dư luận phản ánh, thành phố nên kiểm tra xem có vấn đề gì, sơ hở gì trong quá trình này và liệu cán bộ có dính líu. Có như vậy mới tạo được lòng tin của nhiều người dân.
Một vấn đề khác dư luận đang quan tâm theo dõi cũng được bà An đề cập là việc xử lí nhà sai phép, không phép. Việc cắt nhà sai phép đã được thực hiện, nhưng nhiều người vẫn đang chờ đợi xem thành phố có thực sự cương quyết trong xử lí, chẳng hạn nếu vượt phép 4 tầng có xử lí cả 4 tầng hay chỉ xử…3. “Dân trí Hà Nội rất cao và người dân rất yêu thành phố của mình, điều họ chờ đợi là cương quyết xử lí, cho dù công trình đó của ai”, bà An nhấn mạnh.
Các biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông của thành phố đã được đại biểu Trần Văn Thanh (Long Biên) phân tích bằng ví dụ cụ thể. Theo ông Thanh, việc lắp đèn tín hiệu được ngành giao thông nói đến rất nhiều nhưng thực tế tại đường Nguyễn Văn Linh (Gia Lâm), sau khi nhiều đèn hiệu được lắp đã khiến giao thông… bị tắc. Vấn đề là ngành giao thông chỉ mới chú ý đến yếu tố đèn mà chưa quan tâm đến việc cải tạo mặt bằng tại ngã tư nên đã dẫn tới tình trạng đó.
Về việc nhiều học sinh của một trường học ở Long Biên có thói quen đi ngược chiều cũng được ông Thanh đưa ra để nói về yếu tố bất hợp lí trong thiết kế giao thông khi gần một cây số mới có một chỗ cho người đi bộ sang đường. Đáng nói thêm nữa là những chỗ dành cho người đi bộ sang đường cũng rất nguy hiểm.
Cũng liên quan tới cuộc sống dân sinh, ông Thanh cho rằng các khu đô thị mới trông bên ngoài rất hào nhoáng, nhưng người dân bên trong thường kêu khổ vì nhiều lí do khác nhau. Theo ông Thanh, đô thị mới sẽ ngày càng thu hút nhiều người nên vấn đề đặt ra là phải kiểm tra lại cơ chế quản lí của các khu đô thị, tăng cường hơn sự quản lí của chính quyền tại đó.
“Chỉ cho tôi một công trình đúng tiến độ”
Vấn đề chống lãng phí, tham nhũng theo đại biểu Nguyễn Hoài Nam (Đông Anh) vẫn thiên về kêu gọi phong trào hơn là các giải pháp cụ thể. Thêm nữa, vấn đề chống lãng phí từ hội nghị được đề cập nhiều, nhưng đó chưa phải là lãng phí lớn. Tiền đội nón ra đi nhiều nhất phải kể đến triển khai dự án chậm, quản lí chưa chặt tài sản công, quản lí ngân sách.
Cũng theo ông Nam, môi trường tham nhũng liên quan đến quản lí đất đai, ngân sách nên biện pháp là phải công khai hồ sơ, quản lí chặt chẽ cán bộ, đưa những cán bộ sai phạm ra xử lí làm gương.
Đối với các công trình trọng điểm, công trình kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long bị chậm tiến độ theo đại biểu Trần Văn Thanh phải nêu rõ nguyên nhân, nêu rõ ai được lãnh đạo Ủy ban giao chịu trách nhiệm. Nếu vẫn kiểm điểm chung chung thì ngày mai vẫn thế, công trình chậm vẫn tiếp tục… chậm.
Bà Bùi Thị An đặt ra vấn đề trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như trách nhiệm của cán bộ về việc thẩm định, lựa chọn chủ đầu tư trong việc chậm tiến độ. Theo bà An cần đặt mạnh vấn đề thay chủ đầu tư nếu thiếu năng lực chứ không thể chỉ là “chủ đầu tư kiện toàn… bảo đảm đủ năng lực theo yêu cầu”.
“Thành phố nên chọn một công trình khởi công đúng ngày, nghiệm thu đúng ngày, không phát sinh kinh phí… để thưởng. Tôi chưa thấy một công trình như thế”, bà An kết lại phát biểu của mình.
Theo Dân Trí