Hay nhưng đành chia tay

Cập nhật 12/12/2009 08:55

Nhiều dự án được người dân góp vốn ngay khi triển khai xây dựng. Ảnh chỉ mang tính minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật

Nhiều ý kiến cho rằng, việc để người dân góp vốn bằng đất bị thu hồi vào dự án “tốt cho cả người dân, doanh nghiệp và Nhà nước”.

Ngoài việc nhận tiền đền bù, người dân có thể chọn hình thức góp vốn bằng đất bị thu hồi vào dự án. Đây là một nội dung mới trong dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thí điểm cho hộ nông dân góp vốn cổ phần bằng giá trị quyền sử dụng đất vào dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế... đang được đưa ra lấy ý kiến. Trên thực tế, một số dự án trên địa bàn TP.HCM, người dân đã góp vốn bằng hình thức trên nhưng sau một thời gian triển khai đành ngậm ngùi chia tay. Vì sao?

Dân thích nhận tiền tươi

Điển hình như dự án khu đô thị công nghiệp cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Theo đề án, người dân nằm trong diện giải toả – khoảng 1.900 hộ – sẽ được hoàn toàn tự nguyện tham gia góp vốn đầu tư thực hiện dự án. Khi góp vốn, người dân sẽ được chia lợi nhuận từ cổ phần.

Ngoài ra, người góp vốn còn được nhận tiền trợ cấp hằng năm bằng với thu nhập trên mảnh đất trước khi bị thu hồi… Thế nhưng, chỉ hai năm sau khi triển khai, dự án trên đã phải dừng lại để chủ đầu tư liên doanh với đối tác bên ngoài triển khai dự án thay vì “liên doanh” với người dân như mục tiêu ban đầu.

Giám đốc một doanh nghiệp nói lý do chính khiến đề án trên không thể thành hiện thực vì đây là hình thức “chưa có tiền lệ” nên người dân chưa tin tưởng. Thêm vào đó, người dân do có tâm lý chỉ thích “đất đổi đất” hoặc nhận tiền tươi, chứ ít người chịu góp vốn bằng đất và lo ngại không biết khi nào dự án mới có lãi để được chia lợi nhuận.

Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp khác có dự án tại quận 7 cho hay đã gần sáu năm nay giải toả chưa xong vì còn vướng một hộ dân. “Chúng tôi đã thuyết phục người dân góp vốn vào dự án bằng đất, để doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về kinh phí đầu tư ban đầu và người dân cũng có nhiều cái lợi. Thế nhưng, người dân nói chỉ muốn nhận tiền mặt. Thêm vào đó, người dân không am hiểu nhiều về chuyện cổ phần, góp vốn nên chẳng mặn mà”, vị giám đốc này than vãn.

Tại dự án khu công nghệ kỹ thuật cao toạ lạc ở quận 9, phương án cho dân góp vốn vào dự án bằng chính đất bị thu hồi cũng đã được đề xuất với UBND TP.HCM nhằm giảm áp lực đối với ngân sách nhà nước đầu tư cho dự án. Có điều đến nay vẫn chưa thể áp dụng hình thức này.

Khó bắt tay nhau

Hiện sở Tài chính TP.HCM đang lấy ý kiến về cơ chế thí điểm cho hộ nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vào dự án bất động sản khi thực hiện theo quy hoạch. Theo đó, nếu không nhận tiền đền bù, người dân có thể chọn hình thức góp vốn bằng đất bị thu hồi vào dự án, những phần diện tích không góp sẽ được bồi thường theo quy định.

Phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực nhận định: “Nếu phương thức trên được triển khai sẽ tốt cho cả người dân, doanh nghiệp và Nhà nước”. Một số doanh nghiệp khác cũng có ý kiến tương tự.

Đi vào cụ thể, ông Đực phân tích về phía người dân, thường khi nhận được một cục tiền đền bù, không ít hộ sẽ tiêu xài phung phí. Chính vì vậy khi “gửi” một phần vào doanh nghiệp, thu nhập hàng tháng từ chia lợi nhuận, cổ tức sẽ ổn định. Đối với Nhà nước và doanh nghiệp khi triển khai dự án, giải phóng mặt bằng lâu nay là khâu khó khăn nhất.

Điều này lý giải vì sao ở TP.HCM có rất nhiều dự án đền bù, xây dựng kiểu da beo (đền bù đến đâu, làm dự án đến đó). Chẳng hạn, dự án Đông Hưng Thuận (quận 12) do công ty ông Đực làm chủ đầu tư, với diện tích khoảng 3,5ha đã triển khai hơn ba năm nhưng hiện mới đền bù được 60%. Trong khi đó, nếu dự án trễ một năm thì giá thành sẽ đội lên từ 10 — 15%.

“Bởi thế, nếu người dân chịu “bắt tay” với doanh nghiệp, thì những khu đô thị hàng trăm hecta sẽ nhanh chóng được triển khai, với hạ tầng kết nối đồng bộ. Khi đó TP.HCM không chỉ có một khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng mà sẽ có nhiều khu đô thị lớn được quy hoạch bài bản”, ông Đực nói.

Còn ông Phạm Văn Hải, tổng giám đốc công ty cổ phần địa ốc ACB (ACBR) nói, thông thường các dự án dạng góp vốn sẽ cần vốn đầu tư và quy mô rất lớn, vòng đời dự án dài từ 20 – 50 năm. “Kêu gọi người dân góp vốn vào một dự án có vòng đời dài như vậy là khó. Với doanh nghiệp thì ít phải bỏ vốn nhưng bài toán về quản lý, phân chia lợi nhuận sẽ khó khăn hơn”, ông Hải bình luận.

Theo ông Đực, nguyên tắc của góp vốn là “lời ăn lỗ chịu”. Thế nhưng, người dân lại không được đứng ra điều hành số vốn của mình nên rất khó để kêu gọi bà con liên doanh góp vốn. Ông Đực đề xuất: “Nên để cho người dân đổi đất lấy đất nền hoặc căn hộ là hay nhất”. Một số ý kiến khác thì nói ở thời điểm này làm sao giải quyết đền bù, tái định cư… theo hướng có lợi cho người dân. Có vậy việc giải toả mới tiến triển thuận lợi.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị