Hãy khống chế chiều cao

Cập nhật 02/03/2012 13:35


Bản đồ quy hoạch chiều cao của Paris.
Cuộc tranh luận về chủ trương chuyển đổi công năng một số dự án cao ốc văn phòng, khách sạn thành cao ốc căn hộ có lẽ không cần thiết nếu như trước đó có những quy định khống chế chiều cao đã bao hàm việc gia tăng số dân, gia tăng phương tiện lưu thông trên đường.

Hiện trạng xe cộ kẹt cứng hiện nay không chỉ do lượng xe cộ tăng mà còn do chính “tầm nhìn” đã, đang và có khi còn tiếp tục cho phép xây những tòa nhà “chọc trời” khác trong nội thành, đặc biệt là khu trung tâm. Khu trung tâm thành phố với những cao ốc hàng mấy chục tầng, nhân cho tối thiểu 2,5 mét chiều cao/tầng, từ xa trông có vẻ hiện đại không kém Singapore, Bangkok hay Manila, nhưng nhìn gần thì lại... giật mình khi so với chuẩn mực quy hoạch của những thành phố nổi tiếng là đẹp nhất nhì thế giới, tỷ như “kinh đô ánh sáng” Paris.

Thực vậy, ở Paris hoa lệ ấy, qua mọi kế hoạch quy hoạch đô thị, từ bản đầu tiên mang tên Haussmann hậu bán thế kỷ 19 đến bản PLU năm 2001 gần đây đều chủ yếu dựa trên nguyên tắc cơ bản: khống chế chiều cao. Từ lâu lắm rồi, quy định chiều cao xây dựng ở Paris vẫn bất di bất dịch, 25 mét cho nội thành và 31 mét ở ngoại thành. Ai muốn xây nhà chọc trời kiểu New York, thì ngay từ đầu thập niên 1970 chính quyền Ile-de-France đã mời đến khu La Défense, nếu muốn, có thể xây nguyên một thành phố cũng được và chính quyền còn tặng nguyên một tuyến đường xe điện nhanh mới tinh làm “chân đi” sau này.

Người Pháp chẳng điên hay sĩ diện để theo New York “đua” chiều cao trong thành phố rồi phải trả giá bằng kẹt xe, nghẽn cống, dịch vụ công cộng quá tải, thậm chí thiếu... oxy cho dân thở. Ngoài quy định “vàng” không hơn 25 mét đó, còn có những quy định khác kèm theo: 1- miếng đất phải sâu “đồng hạng” là 20 mét, tính từ lề đường đến giữa miếng đất, (hèn chi các con phố ở Pháp cứ “đều đều” nhau (không “đa dạng” như ở ta, chỗ thì hình hộp quẹt, nơi có hình bánh ú). 2- trên một con đường có chiều ngang là H, chiều cao cho phép xây dựng trên một miếng đất (có chiều sâu như đã nói trên) sẽ là H+2 mét hoặc H+3 mét nếu ở mặt tiền và H+6 hay H+8 nếu giãn ra xa hơn, song vẫn không thể vượt chiều cao tối đa quy định chung là 25 mét đã nêu trên. Nhìn lại TPHCM, nếu áp dụng quy định trên cho những con đường “mình hạc xương mai” như Bùi Thị Xuân, Sương Nguyệt Anh, thậm chí Hai Bà Trưng... chắc những cao ốc khách sạn hay văn phòng như đang có sẽ... biến mất.

Chính do sự dễ dãi về chiều cao mà môi trường sống ở TPHCM đang trở nên bức bách, ngột ngạt với lượng người và xe ngày càng đông đúc, kèm theo khói bụi, tiếng ồn...Không chỉ cho các cao ốc mọc lên mà nay, các biệt thự, bình thường chỉ có vài người trong gia đình ra vào, bỗng dưng biến thành quán cà phê, nhà hàng với hàng trăm người lui tới mỗi ngày, kèm theo xe cộ ra vào tấp nập. Và nhà chức trách lại đối phó tình thế này bằng một tình thế khác: đề xuất thu phí xe vào khu trung tâm. Người dân đâu có quyền cấp phép xây nhà hay kinh doanh nhà hàng, khách sạn? Người dân cũng không có khả năng làm cho kẹt xe tứ tung? Nhưng vì sao họ phải trả phí cho những điều ấy?

Thành ra, muốn biến khu đất trước chợ Bến Thành hay bất cứ đâu thành cao ốc văn phòng hay chung cư cũng được, miễn là khống chế chiều cao hợp lý và đồng bộ cho cả thành phố. Kỹ hơn thì chiều cao sẽ không cao hơn bề ngang các con đường chung quanh đó + 2 mét. Vậy đó, học lóm “anh” Paris cũng được chứ đâu có sao, miễn là thành phố ta “xanh-sạch-đẹp, mến khách, điểm đến thiên niên kỷ....” thật sự như ta đã nhiều lần giới thiệu với bạn bè thế giới.

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG