Hầu hết đại gia "tay không bắt giặc"!

Cập nhật 29/08/2012 10:45

Rà soát các dự án có sử dụng đất trên địa bàn TP.Hạ Long của UBND tỉnh Quảng Ninh, thành phố hiện có 152 dự án chậm triển khai so với quy định. Sự trì trệ giờ đây bộc lộ rõ một điều: Hầu hết nhà đầu tư (NĐT) đều thuộc típ "đại gia tay không bắt giặc"!


Khu đất đắc địa rộng hơn 10.000m2 tại phường Bạch Đằng (TP.Hạ Long) được tỉnh Quảng Ninh "ưu ái" giao cho chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí quốc gia, nhưng sau hơn 2 năm không tiến hành xây dựng đã bị thu hồi. Ảnh: Trần Ngọc Duy

Trong 152 dự án đó có 91 dự án đã được giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 61 dự án còn lại chưa được giao thuê đất vì vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng.

Mỗi lần lấn biển hoặc san đồi, các nhà quản lý địa phương đều kêu gọi sự thông cảm, rằng Hạ Long đất chật, người đông. Quả thật, ở thành phố biển này, diện tích đất bằng phẳng quá ít. Vậy mà, số lượng dự án BĐS đang ở trạng thái treo lại quá nhiều với tổng diện tích lên tới cả ngàn hécta, trong đó nhiều dự án nằm ở các vị trí đắc địa – bên bờ vịnh, hoặc trung tâm thành phố. Đất “vàng” mà việc cấp và sử dụng đôi khi như là chuyện "đi đêm"!

"Xếp gạch" chờ thời


Danh sách các chủ đầu tư của 152 dự án trên phần lớn đều lặp đi lặp lại những cái tên quen thuộc. Ngành than với 8 dự án, rồi TCty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Licogi 2, Cty Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM), Cty Đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà ở Quảng Ninh...

Chưa biết năng lực thế nào, nhưng với số lượng dự án lớn đều tập trung vào một số NĐT, cùng với nhu cầu về BĐS ở Hạ Long không cao như ở các đô thị lớn khác, thì khả năng triển khai đồng loạt là rất khó. Nghĩa là cứ nhận đất rồi “ăn” dần, nếu chậm tiến độ thì lại xin gia hạn.

Thực tế, không ít NĐT “tay không bắt giặc”; nếu có triển khai thì cũng hoàn toàn dựa vào vốn huy động của khách hàng, hoặc không thì chuyển nhượng dự án.

Hầu hết các dự án đều chậm 3-4 năm so với quy định, trong đó có những dự án chậm tới gần 10 năm. Dự án xây dựng chung cư cao tầng TP.Hạ Long của Cty TNHH MTV 508, nằm giữa trung tâm thành phố, là một ví dụ điển hình. Thời gian quy định hoàn thành công trình là từ 2005-2007, nhưng đến thời điểm hiện tại, NĐT mới đang ghép cốppha của sàn tầng 1 do khó khăn về nguồn vốn.

Dự án Khu đô thị mở rộng lấn biển cột 8 tại phường Hồng Hà, do Licogi 2 thực hiện, lẽ ra phải hoàn thành trong giai đoạn 2004-2005, nhưng sau đó được gia hạn thêm... 6 năm (tức 2011) nhưng đến nay vẫn còn bỏ đó.

Dự án Khu đô thị mới Cao Xanh – Sa Tô của Cty TNHH MTV xây dựng công trình 507, thời gian thực hiện 2002-2007, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành do vướng công tác giải phóng mặt bằng.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối phường Hồng Hà với các phường Hà Lầm, Hà Trung, theo hình thức đổi đất lấy công trình, mà Báo Lao Động đã từng phản ánh, sau gần 8 năm, với hai lần xin gia hạn chưa có dấu hiệu kết thúc quá trình “treo” 517 hộ trong vùng dự án.

Tiến thoái lưỡng nan

Theo đề xuất đoàn kiểm tra, chỉ có 13 dự án, với tổng diện tích khoảng 110ha bị đề nghị thu hồi; số còn lại vẫn còn cơ hội, dù rằng nhiều trong số đó ít nhất đôi ba lần xin gia hạn.

Thực tế, cũng khó có thể thu hồi được thêm, phần vì sự buộc phải nương tay của các cơ quan chức năng, do nhà đầu tư đã "ngậm" quá nhiều vốn huy động của người dân. Phần khác là không ít dự án bị “treo” lại do lỗi từ phía chính quyền. Và hơn cả, các doanh nghiệp đã đổ rất nhiều tiền vào các dự án, nên không dễ gì chịu “nhả” .

Vì thế, hàng ngàn hécta đất vẫn sẽ cứ tiếp tục lãng phí, đi kèm với sự thất thu của nhà nước, trong bối cảnh thị trường BĐS chưa thấy có dấu hiệu phục hồi. Trong khi đó, các DN có tiềm năng và mong muốn đầu tư vào Quảng Ninh thì lại không dễ tìm mặt bằng.

“Nếu có nhận lại dự án từ chủ đầu tư cũ thì phải bồi thường tiền giải phóng mặt bằng, tiền xây dựng cơ sở hạ tầng nếu có cho họ. Mà những vấn đề này khó định lượng, nên, nếu không phải là đất “vàng” thực sự thì các nhà đầu tư mới cũng chẳng mặn mà” – một DN kinh doanh BĐS chia sẻ.

Dù lỗi do chủ quan hay khách quan như giải trình trong báo cáo của UBND tỉnh thì sự thực vẫn là: Nhà nước lãng phí cả ngàn hécta đất, trong khi đời sống hàng ngàn hộ dân trong vùng các dự án vẫn “treo” hết năm này qua năm khác. Chỉ tính riêng 91 dự án được giao đất, hiện vẫn còn 16 NĐT còn nợ Nhà nước trên 406 tỉ đồng. Đó là chưa kể tới việc, một khi đi vào hoạt động chính thức, các dự án trên không chỉ tạo nhiều công ăn việc làm, mà còn đem lại các khoản thuế, trong đó có thuế thu nhập...

Vào thời điểm này, các giải pháp xử lý đối với dự án chậm tiến độ có lẽ khó khả thi, bởi đa phần các DN đều lâm vào tình trạng sa sút tài chính. Tuy nhiên, nếu để các dự án tiếp tục "ủ chiếu" sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Sự tệ hại đầu tiên dễ nhìn thấy là chương trình xúc tiến đầu tư đang khởi động dễ trở thành cỗ máy chạy không tải!

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động