Quỹ đất nội đô Hà Nội và TP.HCM chật hẹp cũng là lúc vùng ven thể hiện vai trò gồng gánh thị trường. Đó là nhận định của bà Đỗ Vân Anh, Quản lý Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển CBRE Việt Nam.
Bà Đỗ Vân Anh
Thực tế, quỹ đất nội đô tại Hà Nội, TP.HCM không còn nhiều. Vậy với 2 khu vực này trong tương lai khoảng 5 năm tới, quận, huyện nào sẽ có thị trường bất động sản phát triển?
Theo tôi, tại TP. HCM, các quận phía Đông (quận 2, quận 9), phía Nam và phía Tây (huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh) dự báo sẽ vẫn là các khu vực phát triển bất động sản trọng điểm trong 5 năm tới.
Các khu vực này đón nhận sự quan tâm lớn từ phía người mua nhà trong các năm qua và dự kiến trong sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của thị trường trong thời gian sắp tới.
Ngoài ra, việc Thủ tướng Chính phủ ủng hộ Đề án thành lập TP. Thủ Đức cũng là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản ở khu vực này.
Lý do là hạ tầng giao thông được đầu tư mới và thúc đẩy nhờ tăng nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Hiện tại, Thành phố cũng tập trung đầu tư các dự án giao thông kết nối với các tỉnh, thành xung quanh đặc biệt là ở các cửa ngõ phía Tây (giáp Long An), phía Đông và Đông Bắc (giáp Bình Dương - Đồng Nai).
Các dự án hạ tầng quan trọng gồm Cầu Thủ Thiêm 2, tuyến metro line số 1 ở phía Đông và nút giao Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ ở phía Nam. Bên cạnh đó, đề án quy hoạch phía Đông, nếu được triển khai sẽ có tác động tích cực đến thị trường bất động sản ở khu vực này.
Còn tại Hà Nội?
Tại Thủ đô, thị trường dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng theo nhiều hướng khác nhau trong thời gian sắp tới, với trọng điểm phát triển là khu vực phía Tây và phía Đông.
Với khu vực phía Tây, cơ sở hạ tầng và các tiện ích trong khu vực này đã phát triển và dần được hoàn thiện. Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực tập trung các cơ quan nhà nước, khu vực văn phòng và thương mại chính. Yếu tố này thu hút người mua nhà cũng như các chủ đầu tư phát triển dự án tại khu vực này.
Còn với khu vực phía Đông, trong vòng 3 - 5 năm trở lại đây đã thu hút sự chú ý của thị trường khi có các dự án khu đô thị lớn ra mắt sản phẩm mới. Ngoài ra, kết nối của khu phía Đông với các quận trung tâm Hà Nội và các tỉnh thành khác cũng ngày càng được cải thiện với sự phát triển của các tuyến đường cao tốc, cũng như các dự án xây dựng cầu và metro trong tương lai.
Theo quan sát của bà, với các tỉnh vùng ven Hà Nội, TP.HCM, đâu sẽ là địa phương đón sóng đô thị hóa?
Đối với khu vực phía Nam, thị trường nhà ở ngày càng có xu hướng mở rộng ra các khu vực lân cận TP. HCM, tiêu biểu như các khu Thuận An, Dĩ An của tỉnh Bình Dương hay khu Long Thành, Đồng Nai do tiềm năng phát triển tương lai nhờ hưởng lợi từ các dự án cơ sở hạ tầng, tiện ích đã và đang được triển khai.
Trong vòng 3 năm gần đây, các dự án khu đô thị quy mô lớn của cả các chủ đầu tư trong và ngoài nước như Novaland, Nam Long, CFLD… ở các khu vực này đang thu hút sự quan tâm của thị trường.
Khu vực phía Bắc ghi nhận sự phát triển của thị trường bất động sản tại các tỉnh, thành phố trọng điểm về công nghiệp như Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên. Với cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, thời gian di chuyển giữa các tỉnh, thành phố ở phía Bắc cũng được rút ngắn đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bất động sản ở các địa phương này.
Ngoài ra, cùng với sự phát triển của các khu công nghiệp, số chuyên gia nước ngoài và người làm việc tại các khu vực này cũng tăng lên, đóng góp tích cực và tạo ra nguồn cầu về nhà ở và thương mại tại địa phương. Một số dự án nhà ở nằm trong khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy tốt, ghi nhận tỷ lệ bán cao cho thấy diễn biến thị trường tích cực tại các khu vực này.
Cả Hà Nội và TP.HCM đều lên ý tưởng cho các đô thị vệ tinh, phát triển thành phố theo hướng đa cực. Vậy để điều này đi vào thực tế, 2 thành phố lớn này cần có những giải pháp, cơ chế nào?
Theo tôi, cả 2 thành phố cần đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng giao thông (đường cao tốc, cầu, metrolines) để rút ngắn thời gian đi lại giữa khu vực trung tâm và các khu đô thị vệ tinh.
Cùng với đó là việc lên quy hoạch phát triển đồng bộ, hợp lý cho các khu đô thị vệ tinh này, đảm bảo tính phù hợp, bền vững với quy hoạch chung và sự phát triển của cả thành phố. Ngoài ra, phải lên kế hoạch và hoàn thiện các dự án hạ tầng, tiện ích công cộng; đẩy nhanh quy trình phê duyệt và khuyến khích phát triển các dự án bất động sản, đặc biệt là khu đô thị quy mô lớn hiện đại, nhanh chóng được triển khai.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong tương lai, việc các chủ đầu tư phát triển các dự án khu đô thị, đại đô thị một cách đồng bộ sẽ là xu hướng chính, tạo nên nguồn cung chủ lực, thay cho các dự án nhà ở đơn lẻ khá phổ biến hiện nay. Bà nhận thấy có sự khác biệt nào về phân khúc sản phẩm trong các khu đô thị, đại đô thị tại Hà Nội và TP.HCM không?
Ở cả hai thành phố, xu hướng phát triển các khu đô thị đồng bộ ở các khu vực mới và các tỉnh lân cận đã được ghi nhận trong vòng 3 năm trở lại trong bối cảnh nguồn cung nhà ở lẫn quỹ đất phát triển ở khu vực các quận nội thành ngày càng trở nên hạn chế. Đây dự kiến sẽ là các dự án cung cấp nhà ở chính cho Hà Nội và TP.HCM.
Hiện tại, các dự án khu đô thị ở khu vực xung quanh Hà Nội và TP.HCM đang có mức giá tương đối hấp dẫn so với các quận trung tâm, phương thức thanh toán linh hoạt và có tiềm năng tăng giá tốt.
Đâu là điểm cần lưu ý khi phát triển các dự án khu đô thị hay đại đô thị để đảm bảo hiệu quả (tránh tình trạng dự án dở dang, chậm tiến độ….), tạo nên không gian sống tốt, bền vững?
Theo tôi, để phát triển các dự án khu đô thị và đại đô thị một cách bền vững nên chú ý một số điểm. Đầu tiên, công tác lập quy hoạch, xác định các hạng mục phù hợp cần được chú trọng, nhằm đảm bảo tính hợp lý của quy hoạch dự án trong tổng thể phát triển của khu vực xung quanh và thành phố.
Thứ hai, chủ đầu tư cần đảm bảo phân kỳ đầu tư hợp lý, phù hợp với sự phát triển cơ sở hạ tầng xung quanh dự án, tránh việc mở bán dồn dập vào cùng một thời điểm gây khó khăn cho công tác bán hàng cũng như tạo áp lực về vốn khi triển khai nhiều hạng mục cùng một lúc. Việc này cần song song thực hiện với công tác nghiên cứu thị trường và sản phẩm để đảm bảo lượng sản phẩm mở bán ở mỗi phân kỳ, giai đoạn phù hợp với tình hình cung cầu chung của thị trường và khu vực dự án.
Thứ ba, để tạo ra điểm khác biệt và cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường, chủ đầu tư cũng cần tập trung cải thiện và nâng cấp sản phẩm, dịch vụ trong từng giai đoạn. Cùng với sự phát triển của thị trường, người mua nhà cũng kỹ tính hơn trong việc lựa chọn sản phẩm.
Do vậy, yếu tố khác biệt về sản phẩm sẽ đóng vai trò quan trọng để thu hút khách hàng. Các dự án khu đô thị lớn thường có thời gian phát triển dài, có thể lên đến trên 10 năm, việc nâng cấp và cải thiện sản phẩm cần được thực hiện xuyên suốt vòng đời của dự án.
DiaOcOnline.vn – Theo TNCK