Hành trình thu hẹp khoảng tối vi phạm

Cập nhật 22/10/2013 10:55

Trong 5 năm (2009- 2013), Ngân hàng Thế giới (WB) đã rót khoảng 200 tỷ USD vào các quốc gia nghèo, đồng thời hơn 600 cuộc điều tra về sai phạm, gian lận được thực thi và đã có 499 công ty, cá nhân bị dưa vào “danh sách đen”. Điều đó cho thấy WB tuyên chiến mạnh mẽ với nạn tham nhũng.


Mới đây, ngày 7/10/2013, từ Oa-sinh-tơn DC (Mỹ) đã phát đi thông báo “đanh thép”: WB cấm Công ty CP Phát triển cơ sở hạ tầng Thăng Long (cùng các công ty con) tại Việt Nam trong vòng 2,5 năm (có hiệu lực từ tháng 10/2013) không được tham gia bất kỳ hợp đồng nào do WB tài trợ, do nộp những văn bản không đúng sự thật trong quá trình tham gia đấu thầu các dự án: Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long- phần do Quỹ tín thác tài trợ; Giảm nghèo khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn hai; Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng.

Nghe thông báo đó, chắc nhiều công ty Việt Nam “cười khẩy” mà rằng, đó là WB cấm cho riêng WB thôi, cứ “bình chân như vại”!

Ở Việt Nam nhiều năm qua, trong sân chơi đấu thầu, những “mánh” tiêu cực, gian lận, không minh bạch diễn ra như... chuyện thường ngày, không tiêu cực sao trúng được thầu!

Thực tế, không ít cuộc đấu thầu gian lận với những thủ đoạn rất tinh vi, nhiều nhất là sự “đi đêm” giữa chủ đầu tư với nhà thầu; sự thông thầu giữa các nhà thầu; “ma giáo” trong hồ sơ dự thầu; giá thầu bị đẩy lên cao sau khi trúng thầu... Đây là những chuyện cũng biết, nhưng ít người đủ dũng khí “chỉ mặt, đặt tên”, và dường như biện pháp ngăn chặn, xử lý cũng ở trong... góc khuất? Luật Đấu thầu 2005 còn có nhiều bất cập, chưa ngăn chặn một cách hiệu quả những hành vi gian lận, tham nhũng trong đấu thầu...

Có một thông tin khiến nhiều người vui mừng song cũng có không ít người... ngán ngại: Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, có nhiều thay đổi mang tính “cải cách”, đặc biệt đã dành hẳn Điều 155 quy định cụ thể về thời gian cấm tham gia đấu thầu đối với tổ chức, cá nhân vi phạm, thấp nhất là 6 tháng, cao nhất đến 5 năm, tương tự lệnh cấm của WB. Thêm nữa, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị đăng tải trên Báo Đấu thầu, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và trên các phương tiện thông tin đại chúng khác- tính minh bạch cao hơn hẳn Luật Đấu thầu 2005.

Hy vọng các đại biểu Quốc hội xem xét, có những ý kiến xác đáng, để Luật Đấu thầu sửa đổi được thông qua thực sự là một cuộc “cách mạng”, đặc biệt là xóa bỏ những “khoảng tối” trong xử lý vi phạm. Tuy vậy, để luật đi vào cuộc sống không đơn giản khi cuộc đấu tranh chống tham nhũng vẫn “trường kỳ gian nan”!

DiaOcOnline.vn - Theo Công Thương