Hàng vạn người dân ở Sài Gòn 'khát' nhà giá rẻ

Cập nhật 12/10/2016 09:26

Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TP cho biết, chỉ riêng nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở giá rẻ trên địa bàn TPHCM, giai đoạn 2016 - 2020 thì đã có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu.

Căn hộ phân khúc vừa túi tiền thiếu hụt trầm trọng ở TPHCM.

Hồi sinh sau thời gian ngủ đông, các chủ dự án “đua” nhau rao bán nhà với giá “trên trời”. Trong khi đó, phần lớn khách hàng có nhu cầu mua nhà ở phân khúc giá trung bình. Nếu không điều chỉnh, thị trường sẽ tiếp tục lệch pha, đóng băng trở lại.

Trên địa bàn TPHCM hiện có gần 1.100 doanh nghiệp bất động sản, nhưng phần lớn các chủ đầu tư tập trung xây dựng nhà ở phân khúc cao, giá từ 1.4 tỷ - 1.8 tỷ đồng, còn ở phân khúc nhà vừa túi tiền thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều đáng nói, phân khúc này chính là nhu cầu thực tế nhất đối với những người đang cần có chốn an cư.

Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) thì mỗi năm có khoảng 50.000 cặp kết hôn mới, và có một bộ phận không nhỏ trong số gần 200.000 công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang, ngành giáo dục, y tế, cũng như người có thu nhập trung bình và hơn 20.000 hộ dân sống trong các khu nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch… có nhu cầu cấp bách về nhà ở có giá bán vừa túi tiền.

Còn theo Viện Nghiên cứu Phát triển TP cho biết, chỉ riêng nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở giá rẻ trên địa bàn TPHCM, giai đoạn 2016 - 2020 thì đã có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu. Trong đó, cán bộ công chức: 10.000, hộ thu nhập nghèo, cận nghèo: 39.000, lao động trong khu công nghiệp: 17.000

Trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA nói: “Hiện nhu cầu nhà ở phân khúc vừa túi tiền ở TPHCM xây dựng còn quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng ở TP đông dân nhất cả nước. Do đó, những dự án phân khúc giá trung bình mở bán chỉ vài ngày là hết. Trong lúc đó, thị trường rất thiếu sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở cho thuê giá rẻ. Đây là sự lệch pha mà các doanh nghiệp và cơ quan chức năng cần điều chỉnh phù hợp nếu không muốn thị trường quay lại thời kỳ đóng băng”.

Còn theo Tiến sỹ kinh tế Lê Bá Chí Nhân cho rằng: “Qua khảo sát trong 9 tháng đầu năm 2016, thị trường BĐS TPHCM có dấu hiệu chững lại trong phân khúc BĐS giá cao. Hầu hết các dự án rao bán căn hộ có giá 1.5 tỷ đồng trở lên, trong khi đó người có thu nhập thấp muốn sở hữu nhà từ 400 đến 600 triệu đồng/căn thì không có. Còn luật nhà đất ở nước ta nhiều điểm thì chồng chéo. Do đó, nhà nước cần có chính sách cụ thể cho doanh nghiệp phát triển ở phân khúc này, như giảm thuế, tạo điều kiện làm thủ tục nhanh, đồng thời cần có gói tín dụng hỗ trợ người mua nhà… Bởi nếu cứ để sự lệch pha quá lớn về nguồn cung giữa phân khúc cao cấp và phân khúc nhà ở giá rẻ thì khiến thị trường bất ổn, điển hình là thực trạng phân lô bán nền trái phép tràn lan, khiến quy hoạch nhiều nơi bị phá vỡ”.

Vừa qua, Sở Xây dựng TPHCM đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2020, sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 44.700 căn hộ NỞXH cho người thu nhập thấp. Ngoài ra, để phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2127/ QĐ-TTg ngày 30/11/2011 để định hướng phát triển thị trường BĐS trong trung hạn và dài hạn.
 


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong