Tại một số tòa nhà, từ nhiều năm nay mỗi chỗ đỗ xe được chủ đầu tư bán cho người dân với giá vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Bộ Xây dựng đang tổ chức lấy ý kiến của người dân về Thông tư Ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư để hướng dẫn thực hiện Luật Nhà ở mới, có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua. Trong đó có nội dung đáng chú ý là chỗ để xe ôtô trong chung cư có thể được mua đi bán lại.
Trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư không mua thì thuộc quyền sở hữu và quản lý của chủ đầu tư. Trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư đã mua của chủ đầu tư thì chủ sở hữu có trách nhiệm quản lý. Nếu không có nhu cầu sử dụng, chủ sở hữu chỉ được phép chuyển nhượng, cho các chủ sở hữu, người sử dụng khác trong nhà chung cư thuê. Trường hợp người dân không mua thì chỗ để xe thuộc quyền sở hữu và quản lý của chủ đầu tư.
Đây là lần đầu tiên việc mua bán chỗ đỗ xe ôtô trong tòa nhà chung cư được luật hóa. Từ trước đến nay, quy định về việc sở hữu bãi đỗ xe trong tòa nhà chung cư thực hiện theo Nghị định 71. Tuy nhiên, phần diện tích đỗ ôtô lại không được nêu rõ là thuộc sở hữu chung giữa cư dân và chủ đầu tư hay riêng bên nào, do đó việc mua bán cũng không được đề cập đến. Ở một số tòa nhà, từ vài năm trước chủ đầu tư đã mở bán phần diện tích này với giá từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng một suất. Do đó, thời gian qua có rất nhiều tranh chấp đã nảy sinh liên quan đến phần diện tích đỗ xe ôtô ở các tòa nhà chung cư, đặc biệt là các khu cao cấp.
Mức giá đắt nhất phải nói tới là chung cư Golden Westlake (Hoàng Hoa Thám). Vào thời điểm mới bàn giao căn hộ năm 2010, chủ đầu tư từng đưa ra mức giá bán chỗ đỗ xe dao động từ 751 triệu đến 2,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó do áp lực từ phía cư dân, giá giảm xuống còn khoảng 800 triệu, người dân chỉ được sở hữu trong vòng 38 năm. Theo tính toán của cư dân, nếu đem toàn bộ số tiền trên để gửi tiết kiệm thì với lãi suất như hiện nay người dân có thể nhận được khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng, khi lãi cao có thể nhận 9-10 triệu đồng.
"Điều này đồng nghĩa với việc mỗi chỗ đỗ xe, một tháng chủ đầu tư đã thu được ít nhất bằng số tiền gửi ngân hàng, mức phí khủng nhất từ trước đến nay", một cư dân chia sẻ.
Chỗ đỗ xe trong tòa chung cư Golden Westlake có giá gần 800 triệu đồng. Ảnh: PV
|
Còn cư dân sống tại chung cư 93 Lò Đúc cũng phải chi 500 triệu đồng để mua chỗ đỗ xe của chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Kinh Đô. Gần đây, cũng chính chủ đầu tư này đã công bố mở bán chỗ đỗ xe ôtô tại công trình Discovery Complex (Cầu Giấy). Theo đó, để sở hữu 50 năm vị trí đỗ xe tại chung cư tại hầm 2, 3, 4, 5 của dự án, khách hàng phải chi xấp xỉ 550 triệu đồng.
Tại chung cư Hei Tower, Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân, từ năm 2013, mỗi chỗ đỗ xe cũng được rao bán với mức giá 300 triệu đồng. "Trong khi đó, việc mua bán chỉ được thể hiện bằng hợp đồng giữa cư dân và chủ đầu tư. Chúng tôi không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho phần diện tích này", một cư dân lý giải.
Ngoài số tiền chi ra để sở hữu chỗ đỗ xe, hàng tháng các hộ dân vẫn phải nộp khoản tiền từ vài trăm đến cả triệu đồng để ban quản lý các tòa nhà vận hành bãi đỗ xe. Đại diện chủ đầu tư một dự án lý giải, khoản tiền bán chỗ đỗ ôtô là bù vào chi phí đầu tư, xây dựng tầng hầm, còn phần nộp hàng tháng để vận hành bãi đỗ xe, chi trả bảo vệ, tu sửa, bảo dưỡng... Với những công trình càng nhiều tầng hầm, chi phí đối với phần móng càng lớn nên việc chủ đầu tư mở bán chỗ đỗ xe cũng là điều đương nhiên.
"Ở nhiều quốc gia khác họ cũng làm theo cách này. Tuy nhiên, mức giá bán phải được chủ đầu tư cân nhắc kỹ lưỡng sao cho hợp tình, hợp lý", vị đại diện lý giải.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Bùi Quang Hưng cũng cho biết, ở một số nơi trên thế giới như Singapore hay Hong Kong..., thông thường chỗ đỗ xe cũng được mua bán như vậy. Trong đó, chỗ đỗ xe ở những vị trí càng gần trung tâm thì giá càng cao.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, giá bán ở những nước này thường được khống chế bằng quy định giá trần để tránh việc chủ đầu tư ép người mua. Ở Việt Nam, mức giá trần nên được khống chế ở mức 200 triệu đồng một chỗ đỗ xe.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng cũng cho rằng, việc cho phép mua bán chỗ đỗ xe ôtô là hợp với thông lệ quốc tế vì bản thân chủ đầu tư phải bỏ chi phí để xây dựng tầng hầm. Số tiền này không thể tính vào giá trị căn hộ vì có những hộ có xe ôtô, một số gia đình lại không.
Tuy nhiên, ông Liêm cho rằng, nếu không quản lý chặt chẽ có thể xảy ra tình trạng đầu cơ chỗ đỗ xe ôtô để kiếm lời giống như xảy ra với phân khúc căn hộ, liền kề... "Và đúng là cũng nên có mức giá trần khống chế, không thể để chủ đầu tư bán bao nhiêu cũng được. Có một ô đất vỏn vẹn chưa đến chục m2 mà giá bằng cả một chiếc xe, thậm chí là một căn hộ tầm trung thì thật vô lý", chuyên gia này cho hay.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress