Hàng trăm hộ dân phải di dời đến nơi... chưa rõ

Cập nhật 22/01/2010 15:05

Hàng trăm hộ dân nằm trong diện giải tỏa trắng của dự án rạch Ụ Cây (Q.8, TP.HCM) đang lo sốt vó khi thời điểm giải tỏa đã cận kề và phải di dời ngay trước Tết đến nơi ở...chưa biết mặt mũi!

Dự án rạch Ụ Cây nằm trong chương trình chỉnh trang đô thi, di dời các căn nhà lụp xụp ven kênh, rạch của UBND Q.8 được tiến hành thực hiện từ năm 2006. Đây là dự án trọng điểm, có tổng diện tích gần 20ha, với hơn 2.500 hộ bị di dời, giải tỏa trắng.

Dự án được thực hiện trên địa bàn 3 phường (9, 10 và 11) của quận 8, do UBND thành phố chấp thuận giao cho Tổng Công ty đại ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí 750 tỷ đồng hỗ trợ giải tỏa. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong năm nay.

“Chậm ba năm di dời một ngày”

Các hộ dân bị di dời giải tỏa nằm trong dự án sẽ được tái định cư tại chung cư Tân Mỹ (Q.7), chung cư 481 (Q.8) và chung cư Rạch Đào.

Giai đoạn 1 của dự án sẽ di dời 930 hộ trước năm 2009. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại 1/2010 đã qua nhiều năm triển khai, vẫn chưa có một hộ dân nào được tái định cư ở nơi mới.

Từ thực tế này, ngày 18/12/2009 UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Xây dựng cùng Chủ đầu tư phải di dời một phần những hộ dân nằm trong dự án về 600 căn hộ ở chung cư Tân Mỹ. Đồng thời phải di dời toàn bộ những hộ dân trước ngày 30/4/2010.

Việc này khiến chủ đầu tư “đẩy” tiến độ để dự án sớm hoàn thành theo chỉ đạo của UBND, khiến người dân ở đây gặp không ít khó khăn.
 

Phần nhiều những hộ dân nằm trong diện giải tỏa của dự án rạch Ụ Cây đều thuộc diện nghèo. Ảnh: Tử Trực


Mới dây, lãnh đạo phường cùng chủ đầu tư đã tổ chức mời họp và phát phiếu đăng ký… đi sớm. Tại buổi họp, người dân ở phường 11 được phổ biến, nếu ai đăng ký đi sớm trước 3/2 sẽ được hỗ trợ 5 triệu và được ở tầng thấp của chung cư. Nếu ai chưa đi đến ngày 30/4 sẽ cưỡng chế và không có quyền lợi gì. Trong khi đó, nhiều hộ dân yêu cầu được chủ đầu tư phải dẫn đi xem chung cư cũng như diện tích căn hộ. Tuy nhiên, nhiều yêu cầu này vẫn không được đáp ứng.

Ông Nguyễn Văn T. một hộ dân ở phường 11 cho biết: "Chúng tôi rất ủng hộ di dời nhưng chúng tôi không hề hay biết “mặt mũi” cũng như diện tích chung cư được chuyển đến. Bây giờ còn chưa đầy 1 tháng nữa tới Tết, nếu phải di dời, làm sao chúng tôi đi kịp. Không thể làm theo cách chậm ba năm di dời một ngày như vậy được”.

Cùng với ông T., nhiều hộ khác cũng cho rằng: “Nếu không đi chúng tôi sẽ mất quyền lợi. Nhưng bây giờ đi sẽ sống ra sao? Chưa biết nơi được chuyển đến, căn chung cư có đủ sức chứa những gia đình lên đến 10 nhân khẩu hay không ?".

Canh cánh nỗi lo

Cùng với những băn khoăn chưa được giải đáp, số đông hộ dân ở đây vẫn canh cánh nỗi lo việc "hậu" giải tỏa. Đại bộ phận họ là những người nghèo, lao động phổ thông hàng ngày ở chợ, buôn gánh bán bưng, quen với cảnh kiếm tiền bằng nghề "chân lấm tay bùn"... Trong khi đó, phải chuyển vào những căn chung cư cao hàng chục tầng... khiến không ít người canh cánh nỗi lo thất nghiệp.
 

Người dân thuộc diện giải tỏa của dự án đang day dứt, không biết cuộc sống, học hành của con em họ sẽ như thế nào khi được chuyển qua nơi tái định cư mới. Ảnh: Tử Trực


“Tôi nói thật, nghe di dời cũng rất là mừng, nhưng cũng lo. Ở đây chúng tôi còn được cái ăn, cái mặc, ngày kiếm đủ ba bữa cơm. Nếu chuyển vào chung cư, cả nhà tôi sẽ làm gì để duy trì cuộc sống bây giờ?" - chị Trần Thục Quyên nhìn người mẹ già đã bị bại liệt hai chân than thở.

Cùng chung tâm trạng với chị Quyên, hàng trăm hộ dân khác cũng lo mối lo "sẽ làm gì để sống" khi phải chuyển đến nơi tái định cư mới. Tài sản duy nhất của các hộ dân ở đây là căn nhà lụp xụp chuẩn bị bàn giao cho dự án.

Cùng với nỗi lo nghề nghiệp, người dân ở đây còn lo lắng về khoản tiền chênh lệnh khi chuyển đến nơi tái định cư mới.

Theo ước đoán, những căn nhà của số đông hộ dân nằm trong dự án giao động từ 30-90 triệu/căn. Trong khi đó, giá chung cư được chuyển đến 370 triệu đồng/căn. "Khoản tiền chênh lệch thật quá lớn. Lo miếng ăn hàng ngày chúng tôi còn không lo nổi, phải gánh số nợ chồng chất biết bao giờ trả" - chị Hà Thị Thanh, tổ 86, phường 9 cho biết.

Một Phó Chủ tịch phường xin giấu tên nói, nếu chuyển đến nơi tái định cư mới mà không có phương án hỗ trợ nghề nghiệp. Nguy cơ dân bỏ nơi tái định cư rất cao.

Ông Nguyễn Thành Chung, Chủ tịch UBND quận 8 cho biết: "Hiện tại chúng tôi đang ráo riết đẩy nhanh dự án hoàn thành, xây dựng kế hoạch cụ thể về những việc liên quan đến di dời giải tỏa những hộ dân của dự án. Trong đó, chúng tôi có xây dựng việc hỗ trợ, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp... trình lên Sở Tài chính. Việc này sẽ nhanh chóng hoàn thành trong thời gian tới".


DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet