Dự án hồ chứa nước Sông Ray nằm trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu có kế hoạch xây dựng và thông báo đến người dân cách đây đã 6 năm. Để thực hiện công trình này, tại Đồng Nai, gần 600 hécta đất nông nghiệp của hơn 340 hộ dân thuộc 2 xã Sông Ray và Lâm San, huyện Cẩm Mỹ bị thu hồi.
Trong khi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đền bù cho dân từ năm 2007 và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công thì phía tỉnh Đồng Nai đến năm 2008 mới mời dân lên nhận tiền bồi thường. Điều trớ trêu là việc xếp hạng, áp giá đền bù đất, nhà cửa, cây trồng, hỗ trợ di dời... trong dự án này đã bộc lộ nhiều nhập nhằng, khó hiểu dẫn đến người dân bị thiệt thòi nghiêm trọng.
Dùng giá đất năm 2007 đền bù cho năm 2008
Ngày 27-12-2007, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 69 quy định về giá đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2008, quyết định này có hiệu lực từ ngày 1-1-2008 và thay thế Quyết định số 95 ban hành tháng 12-2006 về khung giá đất trên địa bàn tỉnh trước đây. Theo đó giá đất trồng cây lâu năm của xã Sông Ray và Lâm San được phân ra ba vị trí đất 1, 2, 3 với đơn giá bồi thường là: 50.000đ, 35.000đ và 25.000đ/m2.
Tuy nhiên, theo thư mời nhận tiền đền bù của chính quyền gửi đến người dân ngày 2-1-2008 (yêu cầu ngày 25-1 lên nhận tiền) thì toàn bộ diện tích đất của dân bị giải tỏa đều được áp mức giá đất theo Quyết định số 95 ban hành tháng 12-2006 đã hết hiệu lực. Đây là điều mà người dân bức xúc nhất, bởi nếu áp dụng Quyết định 69 thì giá đất bồi thường của dân tăng hơn gấp đôi so với mức được nhận hiện nay. Chẳng hạn đối với đất loại 3 cây lâu năm, đơn giá đền bù mới là 25.000đ/m2, trong khi đó giá cũ chỉ có 10.000đ/m2.
Đông đảo người dân bức xúc về mức giá đền bù,
trình bày với PV Báo CATP.
Theo Nghị định 197 của Chính phủ ban hành tháng 12- 2004, nếu việc bồi thường chậm do cơ quan tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra mà giá đất tại thời điểm bồi thường do UBND cấp tỉnh công bố cao hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm bồi thường. Mặt khác nếu giá đất tại thời điểm bồi thường thấp hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường cho dân theo giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi.
Trong khi đó dự án đã được thông báo và kiểm kê tài sản của dân từ năm 2002, nhưng mãi đến nay chính quyền mới đền bù cho dân, như vậy không thể nói lỗi chậm trễ này thuộc về dân. Chính từ việc áp giá đền bù một cách khó hiểu này mà người dân đã liên tiếp khiếu nại lên các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo.
Giá đền bù chỉ bằng 1/10 giá thị trường100% các hộ dân bị giải tỏa làm nông nghiệp, chủ yếu trồng cây lâu năm như điều, tiêu, cà phê. Hiện nay người dân đang gấp rút tìm đến vùng đất lân cận để mua rẫy tiếp tục canh tác. Tuy nhiên mặt bằng giá đất thị trường (tương ứng với đất bị giải tỏa) hiện nay không dưới 250 triệu đồng/sào (1.000m2), tức là khoảng 250.000đ/m2, trong khi đó người nông dân chỉ được đền bù (nếu tính cả các khoản hỗ trợ) cũng không hơn 20.000đ/m2 (theo giá cũ). Mức đền bù như vậy là quá thấp, dẫn tới việc nhiều người không đủ tiền mua rẫy và sắp tới họ chưa biết làm gì để sinh sống.
Hộ gia đình ông Phan Văn Thành, ngụ ấp 2, xã Lâm San bị thu hồi 3,6 hécta, tổng số tiền đền bù là 1,3 tỷ đồng, ngoài việc dành một khoản để làm nhà ở, anh Thành chỉ có thể mua được 4 sào rẫy. Với 3,6 hécta, gia đình anh còn sống rất khó khăn huống hồ sau này chỉ có 4 sào rẫy thì xoay xở cách nào để có bữa ăn no và lo cho con cái học hành? Trong khi đó tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đền bù cho dân từ năm 2007, thời điểm đó giá đất còn thấp, người dân có thể dễ dàng mua được cho mình mảnh rẫy mới.
Đất mặt tiền đường liên ấp bị xếp loại 4, trong
khi đất phía sau được xếp hạng 3.
Dự án triển khai từ năm 2002, cán bộ UBND huyện, xã đã xuống từng hộ dân để kiểm kê tài sản, hoa màu, cây cối. Khi đó ruộng vườn của bà con đều tốt tươi, các loại cây lâu năm phần lớn được xếp hạng A. Tuy nhiên, 6 năm sau mới quay lại đền bù, trong khoảng thời gian này bà con không dám đầu tư, chăm sóc (do không biết bị giải tỏa lúc nào) nên cây trồng xuống cấp và bị đánh rớt xuống hạng B, C, D gây thiệt hại rất lớn cho dân. Ngay trong việc xác định loại đất cũng khiến nhiều hộ gia đình bức xúc, anh Thành cho biết, đất nhà anh và một số hộ nữa nằm ở mặt tiền đường liên ấp nhưng bị xã xếp hạng 4, trong khi đó có khá nhiều hộ dân, đất nằm ở phía sau, không có đường đi vô và cũng là đất trồng cây lâu năm nhưng lại được cán bộ “ưu ái” xếp hạng 3, mức đền bù cao hơn nhiều.
Một điều khó hiểu nữa là khi lên nhận tiền đền bù hầu hết các hộ đều bị trừ một khoản, như trường hợp chị Vương Thị Tra bị thu hồi 2 hécta, được đền bù tổng cộng 604 triệu đồng, nhưng bị trừ mất 53 triệu đồng, hộ ông Vũ Đăng Phi bị thu hồi hơn 3 mẫu cũng bị trừ trên 53 triệu đồng, hộ anh Voòng Quang Huy bị trừ 33 triệu đồng... Dân thắc mắc thì cán bộ nói với người này là trừ tiền mật độ, nói với người kia là do xếp lộn hạng đất (!?).
Người dân Đồng Nai bị ảnh hưởng bởi dự án hồ chứa nước Sông Ray hiện nay đang hết sức lo lắng và bất an, họ không còn tâm trí nào để nghĩ đến việc lao động sản xuất hay tìm nơi ở mới. Điều khiến người dân như ngồi trên đống lửa là nếu không nhận tiền sẽ bị giam hồ sơ, mà ký nhận thì mình thiệt thòi, oan ức quá.
Ai cũng muốn lấy tiền sớm để còn ổn định nơi ăn chốn ở, nhưng với việc giá đền bù quá thấp và còn nhiều nhập nhằng, khó hiểu nên họ quyết đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của mình.
Đề nghị các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai rà soát lại những quy định của pháp luật trong việc đền bù, giải tỏa, hỗ trợ, tái định cư... để người dân hai xã Lâm San và Sông Ray không bị thiệt thòi. Nếu hàng trăm hộ nông dân này không được đền bù thỏa đáng họ sẽ lâm vào phá sản, đói kém, kéo theo đó là hàng trăm trẻ em thất học, trở thành gánh nặng cho xã hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này chừng nào người dân nơi đây chưa được đền bù theo đúng quy định, chủ trương của Nhà nước.
Theo Công An TP.HCM