Hàng tồn bất động sản lên mức 105.000 tỷ đồng

Cập nhật 26/04/2017 10:24

Dư nợ phải trả và hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản đang không ngừng tăng.

Đơn vị ghi nhận lượng hàng tồn kho bất động sản lớn nhất năm 2016 là Vingroup với khoảng 47.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số đó chỉ 2.150 tỷ đồng hàng tồn kho bất động sản đã hoàn thành còn 45.000 tỷ hàng tồn kho để bán đang xây dựng. Theo thông tin của đại gia bất động sản này, phần lớn bất động sản đang xây dựng của họ cũng đã được người mua ứng tiền đặt mua, nên không hẳn là hàng tồn kho.

Hàng tồn kho của FLC khoảng 1.239 tỷ đồng, nhưng đây là con số chưa tính đến lượng hàng tồn của FLC Faros, bởi  đơn vị này chưa công bố báo cáo tài chính thường niên 2016.

Novaland có 15.795 tỷ đồng hàng tồn kho, Khang Điền đang có 4.672 tỷ đồng, Hà Đô có 2.442 tỷ đồng, Địa ốc Hòa Bình có 1.245 tỷ đồng, Sacomreal có 3.606 tỷ đồng, Nam Long có 3.698 tỷ đồng, Coteccons có 1.240 tỷ đồng hàng tồn kho...

Nhiều doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho lớn trong khi số nợ ngắn hạn phải trả cũng đang ở mức khá cao, gây nguy cơ mất thanh tính thanh khoản. Theo Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), hiện tổng dư nợ phải trả của các doanh nghiệp bất động sản chiếm 64% tài sản, còn giá trị hàng tồn kho đã tăng 15%, ở mức hơn 105.000 tỷ đồng.

Dư nợ phải trả của nhiều doanh nghiệp trong ngành đang tăng so với năm trước. Nhiều doanh nghiệp lớn đang có các khoản nợ lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong khi hàng tồn kho tiếp tục tăng khiến áp lực trả nợ là không hề dễ dàng.

Như Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (HBC) sẽ trả tổng cộng trên 2.700 tỷ đồng trong năm 2017. Đây là số tiền mà HBC vay ngân hàng, vay bên khác và vay dài hạn đến lúc phải trả.

Cụ thể, HBC chuẩn bị phải trả cho Vietinbank hơn 1.011 tỷ đồng với hạn là 28/6, trả cho BIDV gần 729 tỷ đồng với hạn 23/5, trả ngân hàng Standard Chartered Việt Nam hơn 276 tỷ đồng với hạn 4/5. Ngoài ra, đơn vị này còn phải trả lần lượt cho các ngân hàng là Vietcombank hơn 242 tỷ đồng, MBbank hơn 45 tỷ đồng, VIB hơn 20 tỷ đồng cũng trong năm 2017.

Báo cáo tài chính của một số đơn vị cũng ghi nhận những khoản nợ lớn và tăng vọt so với năm trước đó. FLC đang có tổng nợ phải trả là 9.505 tỷ đồng đến cuối năm 2016, tăng 165% so với năm 2015.


Số nợ ngắn hạn của một số doanh nghiệp bất động sản. Đồ họa: Hiếu Công.

Tại phía Nam, Công ty cổ phần đầu tư Nam Long phải trả nợ vay ngắn hạn gần 354 tỷ đồng. Trong đó, Nam Long vay tín chấp từ cá nhân số tiền 70 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động và phải trả vào ngày 9/12. Đến tháng 11, Nam Long phải trả cho HD bank 13 tỷ đồng. Công ty này đã trả cho ngân hàng OCB 57 tỷ đồng vào tháng 1 và trả cho Agribank 12,2 tỷ đồng vào tháng 3…

Ngoài ra, Nam Long còn phải trả 350 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi cho ngân hàng OCB vào ngày 28/7. Số tiền này được dùng để tài trợ cho các dự án Ehome.

Tập đoàn Novaland cũng đang có khoản nợ vay ngắn hạn hơn 5.595 đồng. Đây là tiền vay trong năm 2015, 2016 và có thời gian vay từ 12-24 tháng. Những khoản vay của Novaland phải trả trong năm 2017 và 2018.

Khang Điền cũng đang có khoản nợ ngắn hạn gần 1,7 tỷ đồng đồng. Còn công ty cổ phần tập đoàn Hà Đô đang có gần 10 tỷ đồng nợ khó đòi trên ba năm. Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons đang có nợ ngắn hạn 5.507 tỷ đồng.

Theo VNREA, bất động sản đang chiếm 20% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Mức lãi suất cho vay đầu tư bất động sản từ các tổ chức tín dụng dao động trong khoảng 9-11%, tùy theo thời hạn và đối tượng. Biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản vào khoảng 10%. Với lãi suất lên tới 9-11% mà biên độ lợi nhuận khoảng 10% thì chi phí vốn vay gây áp lực mạnh đến các nhà đầu tư.

VNREA cũng cho rằng các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam cho có nhiều thực lực về tài chính nên vay nợ ngân hàng khá nhiều. Theo thống kê, vốn tự có của doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 17% tổng nguồn vốn, trong khi vốn vay tín dụng lên tới 60%.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản vay vốn với thời gian ngắn hạn khoảng 2-5 năm và phải thế chấp bằng quyền sử dụng đất, dự án hình thành trong tương lai. Thời gian đi vay càng dài thì càng tiềm ẩn nhiều rủi to về áp lực trả gốc và lãi.

Theo Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu, doanh nghiệp nên tính toán, giảm giá bán để giảm hàng tồn kho, đồng thời có những biện pháp tài chính phù hợp để có tiền trả nợ như phát hành trái phiếu.

“Doanh nghiệp cần tái cơ cấu các khoản nợ của mình, đồng thời tránh đầu tư dàn trải, hoàn thành dự án theo hướng cuốn chiếu để giảm nợ đọng”, ông Châu nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Zing