Hàng tỉ USD chờ 'bơm' vào bất động sản

Cập nhật 09/05/2014 10:02

Tính đến cuối tháng 3, tín dụng bất động sản tăng 3,95%, tăng gấp 8 lần mức chung của toàn hệ thống. Đáng nói là một dòng vốn cực lớn từ các quỹ, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang đổ vào thị trường này.

Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu khởi sắc khi tồn kho giảm, tín dụng tăng - Ảnh: Đình Sơn

Giao dịch tăng vọt

Tín dụng tăng ở nhiều phân khúc

Theo NHNN, hiện hầu hết các phân khúc của thị trường BĐS như: xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, văn phòng cho thuê, kinh doanh BĐS... dư nợ đều tăng mạnh. Thị trường BĐS ấm trở lại cũng tác động tích cực đến thị trường vật liệu xây dựng khi tồn kho xi măng cả nước tháng 3.2014 giảm 96,96% so với tháng 2.2014, tổng 4 tháng năm 2014 sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa ước đạt 15,5 triệu tấn, tăng 7,5% so với 4 tháng năm 2013.
 

Ngày 8.5, tại buổi lễ cất nóc khu Centre dự án Sunrise City do Tập đoàn Novaland làm chủ đầu tư, ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc tập đoàn này, cho biết chỉ trong quý 1/2014 đã bán được hơn 1.000 căn. Trong đó các dự án mà tập đoàn mới mua lại vào tháng 3 vừa qua bán khá tốt như: dự án Lexington (Q.2) bán gần 500 căn, Galaxy 9 (Q.4) bán 200. Số lượng căn hộ bán được còn lại thuộc các dự án Sunrise City (Q.7), Prince Risedence (Q.Phú Nhuận), Tropic Garden (Q.2). Theo kế hoạch trong năm 2014 tập đoàn sẽ bán khoảng 3.000 căn hộ, tăng 1.000 căn so với năm 2013.

“Chúng tôi rất bất ngờ về sự thay đổi tích cực của thị trường, chỉ trong một quý đã giải quyết 1/3 kế hoạch bán hàng của năm. Từ động thái này, tập đoàn sẽ tiếp tục làm một cuộc cách mạng về giá bán, diện tích căn hộ để đáp ứng nhu cầu nhà ở rất lớn của người dân”, ông Huy cho hay.

Những con số lạc quan trên cũng “khớp” với báo cáo thị trường quý 1/2014 của Công ty nghiên cứu thị trường Savills VN. Ông Trương An Dương, Giám đốc nghiệp vụ - tư vấn bất động sản (BĐS) Công ty Savills VN cho biết trong quý 1 kết quả giao dịch tăng 39% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là con số cao nhất cả về số lượng giao dịch và tăng trưởng của quý đầu năm trong vòng 3 năm trở lại đây.

Giao dịch tăng, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn vung tiền mua lại các dự án ì ạch, “đóng băng” để khởi động lại. Cuối tháng 4, một thương vụ mua bán dự án lớn đã diễn ra, khi Công ty CP Him Lam mua lại dự án rộng gần 35 ha tại P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, với số tiền 1.100 tỉ đồng. Đây là động thái chứng minh điều bầu Đức tuyên bố bán các dự án BĐS tại VN để tập trung đầu tư vào mảng nông nghiệp.

Cũng trong ngày hôm qua, tại buổi công bố triển khai 14 dự án tại VN, ông Kim Kyoo Chul, thành viên HĐQT Công ty tổ chức Nhà quốc gia, cho biết một quỹ đầu tư ở châu Á đã rót tiền vào công ty để mua một lúc 14 dự án ở nhiều tỉnh, thành lớn trên cả nước như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... với tổng giá trị đầu tư gần 21.000 tỉ đồng (khoảng 1 tỉ USD). Theo ông Kim Kyoo Chul, nhiều quỹ đầu tư thế giới đang sẵn sàng rót vốn vào những dự án tiềm năng ở VN.

Thị trường BĐS cũng ghi nhận nguồn vốn FDI vào BĐS tăng mạnh. Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm nay TP đã thu hút được 779 triệu USD vốn trực tiếp đầu tư nước ngoài (FDI), tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó BĐS dẫn đầu về số vốn đăng ký, gồm 3 dự án với số vốn hơn 300 triệu USD, chiếm 42% tổng vốn đăng ký.

Chính sách ăn khớp với thị trường                            

Nhận định về các tín hiệu này, TS Đinh Thế Hiển cho rằng sau thời gian đóng băng, những dự án tốt, vị trí đẹp, những sản phẩm phù hợp với nhu cầu được nhiều khách hàng quan tâm. Tuy nhiên, đây không phải là điển hình chung cho thị trường. Chỉ những dự án tốt mới bán được hàng. Còn những dự án chủ đầu tư không có vốn, chỉ chăm chăm huy động từ khách hàng sẽ rất khó khăn.

Theo TS Hiển, việc sửa Nghị quyết 02, nhất là mở rộng cho những đối tượng thật sự có nhu cầu mua nhà là những người có khả năng thanh toán sẽ tăng nguồn cầu, hỗ trợ rất lớn cho thị trường. Ngoài ra, việc mở rộng gói 30.000 tỉ đồng cho vay mua đất xây nhà cũng sẽ giải quyết một lượng lớn tồn kho đất nền hiện nay.

Chuyên gia BĐS, TS Lê Bá Chí Nhân, cũng cho rằng chưa bao giờ chính sách và thị trường có sự “ăn khớp” với nhau như lúc này. Các giải pháp mà nhà nước đưa ra đều hỗ trợ thị trường, tháo gỡ rào cản giữa cung và cầu. Những năm qua đã chứng minh một điều, thị trường BĐS sẽ không bền vững nếu không tuân thủ quy luật cung - cầu và không nhằm mục đích tiêu dùng. “Tôi cho rằng, lúc này thị trường BĐS đã qua được chu kỳ đáy, giá có thể sẽ không giảm nữa bởi từ cuối năm 2013 đến nay chính thị trường đã định hình được mức giá mà người tiêu dùng chấp nhận. Điều quan trọng lúc này là nhà đầu tư xác định được sản phẩm làm ra sẽ phục vụ cho đối tượng nào và phục vụ như thế nào mà thôi”, tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân nhấn mạnh.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên