Thi công nền móng nhà ở trong một khu dân cư ở Bình Chánh. Ảnh: HTD |
Quy định về việc “tha” một số trường hợp xây nhà sai phép, không phép bắt đầu có hiệu lực. Các quận, huyện chưa rõ là phải làm như thế nào để “tha”.
Hôm nay (9-9), Thông tư 24 hướng dẫn Nghị định 23 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng bắt đầu có hiệu lực. Do đó, “Các công trình sai phép, không phép trước ngày 1-5-2009 sẽ được xem xét có được giữ nguyên hay không” - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, ông Phan Đức Nhạn, khẳng định với Pháp Luật TP.HCM như trên vào hôm qua (8-9).
Theo thống kê của Sở Xây dựng, TP.HCM có khoảng 11 ngàn căn nhà xây trái phép “các kiểu” (sai phép, không phép). Thông tư 24 có quy định khá rõ trường hợp nào được “tha”, trường hợp nào kiên quyết buộc tháo dỡ. Tưởng rằng các địa phương cứ đợi tới giờ “G” là thực hiện, tuy nhiên...
Quận, huyện bối rối
Đến ngày 8-9, một ngày trước khi Thông tư 24 có hiệu lực, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều quận, huyện vẫn cho biết họ đang chờ. Chánh thanh tra xây dựng quận 12, ông Lê Tấn Tài, nhận xét: “Không phải đương nhiên những nhà vi phạm đủ điều kiện được “tha” như Thông tư 24 quy định là xem như đương nhiên được “tha”. Việc này phải được cơ quan nhà nước xác nhận thông qua một trình tự thủ tục nên chúng tôi vẫn chờ hướng dẫn”. Ông Tài dẫn chứng thêm: Trước đây, năm 2005, khi thực hiện Quyết định 39 của Thủ tướng về xử lý nhà không phép, sai phép trước ngày 1-7-2004 (ngày Luật Xây dựng có hiệu lực), thành phố cũng phải ban hành Quyết định 207 để hướng dẫn về trình tự thủ tục.
Không chỉ riêng quận 12, các quận, huyện khác như quận 4, Tân Phú, Bình Tân... khi được hỏi bao giờ “tha” cho nhà vi phạm xây dựng đều cho biết phải chờ văn bản hướng dẫn của thành phố. “Ví dụ như phải có quy định nộp đơn ở đâu, hồ sơ gồm những gì, có thành lập hội đồng xét duyệt hay giao hẳn cho một cơ quan đầu mối nào đó thực hiện... Những vấn đề này cần phải rõ ràng cho người dân lẫn cơ quan nhà nước dễ thực hiện” - ông Ngô Anh Phát, Chánh thanh tra xây dựng quận 4, nói. Chánh thanh tra xây dựng quận Bình Tân, ông Nguyễn Văn Khoa, giải thích thêm, trong cuộc họp giao ban với Sở Xây dựng cách đây vài tuần, các quận cũng đã nêu vấn đề này và Sở cũng nói sẽ trình thành phố một văn bản hướng dẫn riêng liên quan Điều 15 của Thông tư 24.
Sở, Bộ: Khỏi chờ hướng dẫn!
Tuy nhiên, ông Phan Đức Nhạn khẳng định: Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc gì thì các quận, huyện sẽ tiếp tục trao đổi với Sở để Sở kiến nghị Bộ Xây dựng. “Còn Thông tư 24 đã có hiệu lực từ ngày 9-9 và đã hướng dẫn chi tiết, các cơ quan cứ theo đó mà thực hiện, không phải chờ hướng dẫn gì nữa” - ông Nhạn nhấn mạnh. Trao đổi với người viết, Chánh thanh tra xây dựng Bộ Xây dựng, ông Phạm Gia Yên, cũng đồng quan điểm với Sở Xây dựng: “Thông tư 24 đã quá rõ, không cần hướng dẫn trình tự, thủ tục gì thêm. Cán bộ thi hành buộc phải hiểu chứ không thể bảo là chờ hướng dẫn thêm”.
Tuy nhiên, đọc kỹ Điều 15 Thông tư 24 liên quan trực tiếp việc xử lý các trường hợp xây dựng trái phép thì thật dễ thấy rằng điều này mới chỉ phân loại các trường hợp khi nào được giữ nguyên công trình, khi nào không. Đây là thông tư hướng dẫn chủ yếu việc xử phạt hành chính nên không cụ thể các tình huống: nhà nằm trong diện được “tha” thì coi như đương nhiên được “xóa án” hay chủ đầu tư phải làm đơn xin? Chủ đầu tư muốn hợp thức hóa thì cứ làm hồ sơ như mọi trường hợp khác hay phải kèm theo điều kiện gì khác?...
Các quận, huyện còn bối rối khi giải quyết “tha” cho nhà xây sai phép, không phép trước ngày 1-5-2009. Ảnh minh họa: HTD |
Theo trình tự, thủ tục cũ? E rối hơn
Lãnh đạo thanh tra xây dựng một quận cho biết: nếu thành phố không quy định vấn đề này thì ông sẽ đề xuất quận áp dụng trình tự, thủ tục thực hiện Quyết định 39 năm 2005 của Thủ tướng.
Tuy nhiên, nếu làm như đề xuất trên thì tình hình cũng... căng. Năm 2005, nhà xây dựng không phép, sai phép trước ngày 1-7-2004 tại TP.HCM cũng đã một lần được “đặc xá” bằng Quyết định 39. Cũng trong năm 2005, thành phố đã ban hành Quyết định 207 hướng dẫn thực hiện văn bản trên. Theo đó, chủ nhà phải nộp hồ sơ xin đăng ký tồn tại cho nhà xây dựng sai phép, không phép. Thời hạn giải quyết hồ sơ là 45 ngày làm việc cho cả hai khâu phường, quận.
Chỉ sau vài tháng triển khai, đến tháng 10-2005, thành phố đã có hơn 300 ngàn hồ sơ xin tồn tại theo Quyết định 207, dẫn đến tất cả các quận, huyện đều quá tải. Tuy nhiên, việc xin công nhận công trình tồn tại theo Quyết định 207 bị đánh giá là “ít hiệu quả mà nhiều hậu quả” do thủ tục phức tạp, tốn kém, lãng phí.
Đến năm 2006, khi thành phố triển khai việc cấp giấy hồng theo Luật Nhà ở, thành phố đã bỏ thủ tục trên, gộp hai thủ tục này thành một. Riêng chủ trương xử lý nhà xây dựng sai phép, không phép sau ngày 1-7-2004 thì phải chờ và tạm ngưng cho đến khi có Thông tư 24.
Nếu vậy, làm sao có thể áp dụng lại trình tự thủ tục trên khi đã thấy trước là khó hiệu quả? Nhưng không áp dụng thì liệu mỗi quận làm mỗi kiểu do thiếu hướng dẫn chung thống nhất?
Cho nên, nghe được “tha chết” thì hẳn cả ngàn chủ đầu tư công trình trái phép ắt mừng nhưng cụ thể vào từng vụ việc, cách thức để được “tha” thì không dễ!
Không phải nhà nào cũng được “tha”
1. Nếu công trình xây dựng vi phạm nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư ổn định mà xây dựng sai phép về số tầng, về diện tích xây dựng nhưng không ảnh hưởng đến công trình lân cận thì cho phép chủ đầu tư được giữ nguyên công trình xây dựng với điều kiện khi thực hiện quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt thì chủ đầu tư phải tự phá dỡ phần sai phép mà không được bồi thường.
2. Nếu công trình xây dựng vi phạm không nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư nhưng quy hoạch xây dựng khu vực này cũng chưa thực hiện ngay thì yêu cầu chủ đầu tư phải cam kết tự phá dỡ và không được bồi thường khi thực hiện quy hoạch xây dựng khu vực này.
3. Nếu công trình xây dựng vi phạm nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư ổn định nhưng lấn chiếm không gian, lấn chiếm đất đai, lấn chiếm chỉ giới xây dựng, lấn chiếm chỉ giới đường đỏ thì phải kiên quyết phá dỡ. (Điều 15 Thông tư 24 ngày 22-7-2009)
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP