Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) thay vì giao cho người dân, chủ doanh nghiệp (DN) lại lấy đi bán, cầm cố, thế chấp nhiều nơi. Thậm chí DN này còn thế chấp cả đất của nhiều cơ quan của thị xã Giá Rai cho ngân hàng.
Quyền sử dụng đất của Chi cục Thống kê thị xã Giá Rai đã bị Cty Thiên Phúc thế chấp ngân hàng. Ảnh: Nhật Hồ
|
Tá hỏa khi phát hiện đất cơ quan bị thế chấp
Ngày 20.8, Chi cục Thống kê thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) cùng một số cơ quan khác tại thị xã “tá hỏa” khi biết rằng QSDĐ của mình đã bị Cty Thiên Phúc thế chấp ngân hàng. Sự việc bị phát hiện khi Cơ quan Thi hành án (THA) huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) ủy thác cho Cơ quan THA thị xã Giá Rai thực hiện bản án số 04/2015/QĐST-KDTM ngày 17.6.2015.
Theo bản án nói trên, Cty TNHH Thiên Phúc thế chấp 20 giấy chứng nhận QSDĐ tại Ngân hàng SHB Chi nhánh Kiên Giang. Theo bản thỏa thuận giữa ba bên: Cty TNHH Trường Phú (Kiên Giang), Cty TNHH Thiên Phú và Ngân hàng SHB Chi nhánh Kiên Giang, nếu Cty Trường Phú không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn thì Cty TNHH Thiên Phúc thống nhất phát mãi tài sản thế chấp để trả nợ cho Ngân hàng SHB. Tài sản thế chấp gồm 20 giấy chứng nhận QSDĐ do Cty Thiên Phúc đứng tên. 20 lô đất này tại dự án Khu dân cư Nọc Nạn, thị xã Giá Rai do Cty TNHH Thiên Phúc làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, trong 20 lô đất nói trên, một số lô Cty Thiên Phúc có nghĩa vụ giao lại cho UBND thị xã Giá Rai làm các cơ quan theo thỏa thuận, trong đó có Chi cục Thống kê của thị xã. Khi Cơ quan THA kiểm tra bản án phải thi hành mới phát hiện Cty Thiên Phúc đã thế chấp cho Ngân hàng SHB Chi nhánh An Giang. Trước đó, DN này cũng đã sang bán cho nhiều người mà không bàn giao giấy chứng nhận QSDĐ.
Ông Trịnh Phi Hoàng (khóm 2, phường 1, thị xã Giá Rai) bức xúc: “Chúng tôi đã mua nền của Cty Thiên Phúc, hợp đồng mua bán đã 4 năm nay, chúng tôi đã trả đủ tiền 100% nhưng Cty vẫn không giao giấy chứng nhận QSDĐ cho chúng tôi mà đem đi cầm cố cho các ngân hàng mặc kệ chúng tôi khổ sở do vay tiền mua nhà”.
Trớ trêu hơn, ông Lê Ngọc Hưng phát hiện thửa 177 của mình mua từ Công ty Thiên Phúc trước đó DN này chuyển nhượng cho bà Trần Thị Mai Trinh. Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng cùng chung số phận khi phát hiện thửa số 176 mình mua đã được chuyển nhượng cho bà Trần Thị Mai Trinh (hợp đồng ngày 30.12.2013).
Hàng loạt sai phạm
Trước sự việc này, UBND thị xã Giá Rai thành lập tổ công tác và kết luận nêu rõ: Việc chia 2 gói thầu san lấp có cùng quy mô, tính chất kỹ thuật, địa điểm là chưa phù hợp với quy định tại khoản 4, Điều 4, Luật Đấu thầu. Trong khi đó, UBND huyện cho nhà thầu tạm ứng gần hết số tiền thi công 2 gói thầu san lấp trong khi chưa có chủ trương đầu tư, hồ sơ quản lý chất lượng là chưa phù hợp.
Dù DN đấu thầu dự án, nhưng UBND huyện Giá Rai (nay là thị xã Giá Rai) cho đầu tư xây dựng tuyến đường số 1 và số 4 thuộc dự án bằng ngân sách nhà nước là không đúng quy định. Việc cấp 214 giấy chứng nhận QSDĐ cho Cty Thiên Phúc chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật. Lỗi thuộc về các cơ quan tham mưu cho UBND huyện Giá Rai (thời điểm 2012-2013) chưa làm tốt vai trò của mình trong việc triển khai thực hiện công tác lập quy hoạch, thẩm định chất lượng, đồ án
quy hoạch…
Ông Đỗ Minh Thắng - Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai - cho biết: “Những vi phạm của dự án Khu dân cư Nọc Nạn gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của thị xã. Quan điểm của chúng tôi là sai tới đâu xử lý đến đó với mong muốn làm trong sạch môi trường đầu tư và hài hòa lợi ích của người dân, DN”.
Được biết, các ngành thuộc UBND tỉnh Bạc Liêu đang vào cuộc để đảm bảo lợi ích cho những người dân có đất tại dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động