Như Thanh Niên ngày 14.5 phản ánh, mặc dù được giao số lượng nhà đất công sản 'khổng lồ' nhưng nhiều đơn vị sự nghiệp, tổng công ty, công ty nhà nước không chỉ quản lý lỏng lẻo, mà còn lợi dụng hợp tác liên doanh, liên kết gây thất thoát ngân sách, để tư nhân trục lợi...
Khu đất 4/19 Hậu Giang Sawaco cho thuê 70 triệu đồng/tháng, trong khi đơn vị thuê cho thuê lại thu về 900 triệu đồng/tháng. ẢNH: ĐÌNH PHÚ
|
Làm trái chủ trương của UBND TP
Điển hình là khu nhà đất số 4/19 Hậu Giang (Q.Tân Bình) với diện tích hơn 9.500 m2. Ngày 7.4.2010, UBND TP.HCM có Văn bản số 1853, nội dung “chấp thuận về chủ trương cho Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) được triển khai thực hiện dự án “đầu tư xây dựng trạm cấp nước dự phòng, kết hợp kho chứa vật tư ngành nước và kinh doanh cho thuê kho” tại cụm giếng G2 Tân Sơn Nhất theo quy hoạch được duyệt, với tổng vốn đầu tư khoảng 19 tỉ đồng. Vốn đầu tư sử dụng từ nguồn tự có của đơn vị. Nếu quá 12 tháng kể từ ngày UBND TP chấp thuận chủ trương, Sawaco không triển khai thực hiện dự án thì TP sẽ xử lý thu hồi đất theo quy định.
Cần nói rõ, khu đất hơn 9.500 m2 tại địa chỉ 4/19 Hậu Giang (Q.Tân Bình) mà UBND TP giao cho Sawaco được miễn tiền sử dụng đất để phục vụ chuyên ngành, mục tiêu là thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn, làm nguồn dự phòng cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Thế nhưng, thực tế Sawaco đã làm trái chủ trương của UBND TP, không đầu tư trạm cấp nước dự phòng (ưu tiên số 1 - PV) mà “phù phép” liên doanh liên kết với tư nhân, sử dụng đất không đúng mục đích được giao. Cụ thể, ngày 9.9.2010, Sawaco ký hợp đồng hợp tác đầu tư và khai thác kho chứa vật tư hàng hóa với Công ty Đức Bình; đến ngày 22.9.2010 thì bàn giao mặt bằng cho Công ty Đức Bình. Ngày 28.3.2014, Công ty Đức Bình ký hợp đồng cho Công ty TNHH dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất thuê mặt bằng 4/19 Hậu Giang để tiếp nhận hàng hóa xuất khẩu, lưu trữ hàng hóa và cung ứng dịch vụ cho thuê kho bãi, mặt bằng, thời gian thuê 10 năm. Ngày 25.9.2014, Công ty TNHH dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất nhận bàn giao mặt bằng, đã thanh toán cho Công ty Đức Bình hơn 30 tỉ đồng tiền thuê mặt bằng từ tháng 10.2014 - 8.2017.
Điều đáng nói, Sawaco ký hợp đồng hợp tác với Công ty Đức Bình nhưng trong hợp đồng không thể hiện giá trị vốn góp, đầu tư của các bên. Sawaco cũng không trình bày được số vốn góp của mỗi bên để làm căn cứ phân chia lợi nhuận hợp tác kinh doanh. Chính sự “dễ dãi” này của Sawaco dẫn đến giá trị đất công “rơi thẳng” vào túi tư nhân. Cụ thể, Sawaco (100% vốn nhà nước) chỉ được nhận 70 triệu đồng/tháng (tổng số tiền Công ty Đức Bình chi trả cho Sawaco từ tháng 1.2015 - 6.2017 chỉ 2,1 tỉ đồng), trong khi Công ty Đức Bình cho thuê lại và thu khoảng 900 triệu đồng/tháng (chỉ tính từ tháng 10.2014 - 8.2017 đã nhận hơn 30 tỉ đồng).
Qua kiểm tra hiện trạng khu đất, Sawaco hiện vẫn chưa xây dựng trạm cấp nước dự phòng mà chỉ có 1 trạm giếng diện tích khoảng 100 m2 đã ngưng hoạt động từ năm 2004 (!).
Cũng theo tìm hiểu của PV, hiện Sawaco được giao quản lý, sử dụng 233 nhà đất với hàng trăm ngàn mét vuông, trong đó chỉ 10 nhà đất nộp tiền thuê đất hằng năm, hầu hết còn lại được miễn tiền thuê đất. Qua kiểm tra thực tế hiện trạng quản lý sử dụng 29/233 nhà đất tại Sawaco, Thanh tra TP.HCM ghi nhận có 8 trường hợp nhà đất với hàng ngàn mét vuông Sawaco “cho không” các đơn vị khác sử dụng. Sawaco cũng vi phạm quy định về việc sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước theo Quyết định 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể: Trạm cấp nước Láng Le (xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh) rộng 1.000 m2 đã ngưng hoạt động và hiện đang bỏ trống không sử dụng, mặc dù UBND TP.HCM đã chỉ đạo giao cho UBND H.Bình Chánh nhưng Sawaco vẫn chưa giao.
Hàng triệu mét vuông đất để hoang
Theo quy định, công ty nhà nước được nhà nước cho thuê đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất, thì chỉ được sử dụng tài sản trên đất được giao để sản xuất, kinh doanh theo đúng ngành nghề kinh doanh; nghiêm cấm việc cho thuê lại đất, trừ trường hợp công ty có chức năng kinh doanh kho bãi. Thế nhưng, trên địa bàn TP.HCM, hàng loạt công ty nhà nước “bỏ qua” quy định này.
Theo tìm hiểu của PV, tính đến thời điểm tháng 10.2017, Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn (Sagri, 100% vốn nhà nước) và các đơn vị thành viên đang quản lý, sử dụng 46 mặt bằng, nhà đất, trong đó 11 mặt bằng, nhà đất được đem hợp tác kinh doanh khai thác mặt bằng, giữ hộ hàng hóa. Tổng doanh thu từ hoạt động này trong năm 2015 - 2016 là hơn 36 tỉ đồng. Chưa hết, trong số tiền thu được từ việc cho thuê trái quy định, Sagri “ẵm riêng” (không nộp ngân sách) hơn 6,9 tỉ đồng trong 2 năm 2015 - 2016. Thanh tra TP.HCM xác định trách nhiệm để xảy ra sai phạm thuộc về HĐTV, Tổng giám đốc Sagri, vì thực tế sử dụng “biến tướng” đó không đúng phương án xử lý tổng thể nhà đất, không đúng đối tượng, mục đích sử dụng theo quyết định giao đất, cho thuê đất của UBND TP.HCM.
Nhưng tại Sagri không chỉ xảy ra sai phạm trong hợp tác kinh doanh khai thác mặt bằng, mà còn để lãng phí hơn 4 triệu m2 nhà đất được giao quản lý mà chưa đưa vào khai thác, sử dụng (để trống - PV), trong đó có khu đất số 3/9 Kha Vạn Cân (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức); khu đất Xí nghiệp cơ khí Củ Chi (402 QL22, xã Tân Thông Hội, H.Củ Chi); khu đất trại heo giống Củ Chi (xã Phạm Văn Cội, H.Củ Chi); khu đất 162 Nguyễn Thị Định (P.An Phú, Q.2)…
Tương tự, các sai phạm nghiêm trọng cũng xảy ra tại Tổng công ty văn hóa Sài Gòn (100% vốn nhà nước) với 19 mặt bằng, nhà đất, trong đó có các địa chỉ “đất vàng” như số 271 Nguyễn Trãi (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1), số 6 Ngô Thời Nhiệm (P.7, Q.3), số 207 Đinh Tiên Hoàng (P.Tân Định, Q.1); tại Tổng công ty du lịch Sài Gòn với 14 mặt bằng, trong đó có các cơ sở ở số 2 Hàn Thuyên (P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức), số 44/14 Nguyễn Văn Đậu (P.6, Q.Bình Thạnh), 1147 Xô Viết Nghệ Tĩnh (P.28, Q.Bình Thạnh), 1019 Bình Quới (P.28, Q.Bình Thạnh), số 1223 đường 3 Tháng 2 và 1275 đường 3 Tháng 2 (P.6, Q.11)…
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên