Hàng loạt dự án hồi sinh vì "bắt chước" Usilk City

Cập nhật 19/08/2013 08:22

Nối gót dự án Usilk City, tại Hà Nội đã có thêm hai dự án đang "hồi sinh" nhờ áp dụng mô hình quản lý dòng vốn giống như dự án Usilkcity (Lê Văn Lương, Hà Đông, Hà Nội).

Lấy lại niềm tin

Trong khi việc tiếp cận dòng vốn tín dụng từ ngân hàng gặp nhiều trở ngại, thì việc huy động được thêm dòng tiền từ phía khách hàng được xem là cứu cánh cho nhiều dự án. Tuy nhiên, điểm mấu chốt của bài toán cần phải giải được đó là lấy lại được niềm tin của khách hàng. Bởi, lâu nay việc chủ đầu tư dùng tiền mua nhà của khách hàng sai mục đích đã xảy ra quá nhiều khiến khách hàng mất niềm tin.

Để khách hàng tin tưởng và đóng nốt tiền mua nhà, tại dự án Usilk City, công ty CP Sông Đà Thăng Long đã áp dụng phương án cùng khách hàng tham gia quản lý dòng vốn. Theo đó, thay vì nộp trực tiếp tiền cho chủ đầu tư, các khách hàng sẽ mở tài khoản cá nhân tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Thanh Xuân và hàng tuần sẽ nộp số tiền bằng 1/23 (23 tuần tương ứng thời gian hoàn thành dự án) số tiền chưa nộp còn lại vào tài khoản này.

Sau khi nghiệm thu tiến độ hàng tuần (do BIDV kiểm tra, xác nhận), khách hàng sẽ chuyển tiền vào tài khoản chung (được vận hành bởi 3 đại diện khách hàng và 1 đại diện STL). Điểm đáng chú ý là, STL không thể tự ý sử dụng số tiền này, mà ngân hàng sẽ chuyển tiền từ tài khoản của chủ đầu tư để giải ngân cho các nhà thầu.

Với cách làm này, hầu hết khách hàng đều tin rằng, số tiền họ đóng tiếp vào Dự án sẽ không bị các đối tác khác của chủ đầu tư siết nợ. Ngay trong tuần đầu tiên 1/8-7/8, khách hàng mua nhà tại dự án Usilk city đã nộp gần 10 tỷ đồng để chủ đầu tư hoàn thiện công trình.

Trước phương án khả thi mà dự án Usilk City đang áp dụng, tại Hà Nội, chủ đầu tư và khách hàng mua nhà tại dự án Chung cư Emico (Mễ Trì, Từ Liêm) do Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phê duyệt do Tổng công ty phát triển phát thanh truyền hình thông tin (Emico) làm chủ đầu tư

Theo thỏa thuận Hợp đồng ký kết, chủ đầu tư sẽ phải bàn giao nhà cho khách hàng vào quý IV năm 2011, chậm nhất là quý I năm 2012. Nhưng đến nay, quá mốc bàn giao chậm nhất hơn 1 năm dự án vẫn còn đầy ngổn ngang do chủ đầu tư không có đủ năng lực tài chính để triển khai.

Ngày 15/8, hội nghị khách hàng mua nhà tại dự án Emico đã diễn ra và nhiều khách hàng cho biết, để chia sẽ những khó khăn của chủ đầu tư, nhiều nhà đầu tư chấp nhận đóng tiếp số tiền theo hợp đồng tuy nhiên vấn đề đặt ra cần có sự minh bạch trong việc quản lý dòng tiền.


Phía khách hàng đưa ra đề xuất về quy trình và nguyên tắc quản lý dòng tiền. Quá trình được thực hiện trên cơ sở thông qua ngân hàng mở các tài khoản cá nhân cho mỗi khách hàng và một tài khoản chuyên chi đứng tên là Công ty Emico. Tài khoản này sẽ được dùng để chuyển tiền trực tiếp thanh toán cho nhà thầu thi công khi có sự xác nhận của 3 bên gồm ban đại diện khách hàng, Emico và ngân hàng. Để đảm bảo cho tiến trình giải ngân Emico và khách hàng thống nhất xác nhận khối lượng công việc được thực hiện theo từng tuần.

Nối gót dự án Usilk City và dự án Ecomi, chủ đầu tư dự án chung cư, chủ đầu tư dư án chung cư Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) đưa ra phương án, khách hàng mua sẽ nộp 100% tiền vào ngân hàng Baovietbank. Nếu dự án chậm tiến độ ngân hàng sẽ hoàn tiền và phí phạt cho khách hàng. Khách hàng mua căn hộ và nộp tiền sẽ nhận được giấy cam kết tiến độ do ngân hàng Baovietbank phát hành, đảm bảo người mua sẽ nhận được nhà đúng thời hạn.

Bộ Xây dựng muốn nhân rộng mô hình Usilk City

Phương án để khách hàng cùng tham gia quản lý dòng tiền của dự án Usilk City đã được phía cơ quan quản lý đánh giá cao. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, việc  thu hút được dòng tiền từ khách hàng chảy vào dự án dưới hình thức quản lý tay ba, bao gồm khách hàng và ngân hàng, chủ đầu tư là hình thức rất tốt.

“Chúng ta vẫn có nhận định người dân vẫn có nhu cầu và có khả năng thanh toán, nhưng vấn đề hiện nay do các chủ đầu tư sử dụng sai nguồn vốn, dùng tiền mua nhà khách hàng đi đầu tư nhiều dự án do vậy không đủ dòng tiền để hoàn thiện dự án, gây mất lòng tin từ phía khách hàng. Do đó, nếu chúng ta có biện pháp đảm bảo lòng tin của khách hàng, dòng tiền từ người dân vẫn có thể đổ vào dự án. Do đó dự án sẽ hoàn thiện, tăng giao dịch” - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nam cho biết thêm, để giải pháp này phát huy hiệu quả, với tư cách là cơ quan thường trực của Chính phủ về quản lý nhà ở, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản kiến nghị với các địa phương tạo cơ chế giúp người dân và chủ đầu tư tự thỏa thuận cùng triển khai dự án.

Đồng thời, Bộ Xây dựng sẽ trao đổi với Ngân hàng nhà nước thống nhất chỉ đạo các ngân hàng thương mại đồng thuận với chủ trương chưa thu hồi nợ ngay với những khoản tiền người dân tiếp tục nộp vào dự án để xây dựng nhà.

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia