Một đại gia hàng đầu về sở hữu đất vàng tại Hà Nội đã sẵn sàng cho thương vụ bước ngoặt. Kết quả hoạt động kinh doanh yếu kém là cơ hội để các tỷ phú Việt thâu tóm với mức giá hấp dẫn.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Hình thức cổ phần hóa là kết hợp hình thức bán toàn bộ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa phát hành thêm để tăng vốn điều lệ.
Theo đó, 65% cổ phần của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - Hapro sẽ được chào bán cho đối tác chiến lược. Phần còn lại sẽ được bán đấu giá công khai (34,51%) và bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên (0,49%).
Sau khi cổ phần hóa, Hapro sẽ có vốn điều lệ 2.200 tỷ đồng, tương ứng với 220 triệu cổ phần.
Giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu khi thực hiện cổ phần hóa Hapro là 12.800 đồng/cp, tương ứng vốn hóa hơn 2,8 ngàn tỷ đồng.
Sự xuất hiện của Hapro trong 'rổ hàng hóa' đầu tư tài chính thời điểm này với cái giá không hề đắt chính là cơ hội cho các đại gia có thực lực tiến hành M&A, thâu tóm nguồn lực đất đai, lợi thế thương hiệu và vị thế.
Hapro là 1 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu, phát triển hạ tầng thương mại nhưng hoạt động kinh doanh không mấy hiệu quả với lợi nhuận trước thuế 2016 chỉ đạt 65 tỷ đồng.
Mặc dù kinh doanh không hiệu quả nhưng Hapro có thể mạnh về mặt bằng thương mại và quỹ đất lớn với cả trăm khu đất tại Hà Nội và ở nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước. Hapro cũng đang thoái vốn ở nhiều công ty con và công ty liên kết với rất nhiều đất và mặt bằng thương mại lớn.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục sôi động với dòng tiền lớn đến từ trong và ngoài nước. Khối ngoại đổ hàng tỷ USD vào Việt Nam trong năm 2017. Giới đầu tư đặt kỳ vọng lớn vào sự khởi sắc của nền kinh tế nói chung, của các doanh nghiệp lớn, nhất là các tập đoàn - tổng công ty Nhà nước nhà Hapro hay trước đó như ACV… sẽ hoạt động hiệu quả hơn nhờ những thế mạnh sẵn có như thương hiệu, thị phần, đất đai…
Khối ngoại tiếp tục gom cổ phần của các doanh nghiệp trong nước thoái vốn. Tea Kwang Vina Industrial của Hàn Quốc vừa bỏ ra khoảng gần 440 tỷ đồng mua vào 22,4 triệu cổ phiếu DIG từ Bộ Xây dựng. Tập đoàn này trước đó tính mua cổ phần Gemadept để tấn công vào lĩnh vực logistics Việt Nam.
Hàng loạt cổ phiếu lớn tại Việt Nam tăng giá mạnh gần đây nhờ những kỳ vọng như vậy. Cổ phiếu Vinamilk (VNM) tăng gần 24% trong tháng 11 và tiếp tục tăng mạnh trong những phiên giao địch đầu tháng 12. Cổ phiếu này hiện đã lên tới 205.000 đồng/cp.
Sabeco (SAB) sắp thoái vốn cũng tăng vọt lên gần 340 ngàn đồng/cp.
Sự bứt phá của các cổ phiếu lớn đang dẫn dắt thị trường chứng khoán lên các đỉnh cao mới. VN-Index sắp lấy lại ngưỡng 1.000 điểm vốn đã đánh mất trong 10 năm qua.
Về tổng thể, quy mô và thanh khoản trên TTCK tiếp tục cải thiện. Dòng vốn nội và ngoại vẫn đổ vào thị trường cho dù VN-Index đã lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2008 và là thị trường có tốc độ tăng mạnh thứ 3 thế giới.
Theo CTCK SHS, VN-Index có thể tiếp tục tăng do thanh khoản tốt và dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào thị trường và có sự lan tỏa khá đồng đều. Nhiều ngành diễn biến tích cực như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản - xây dựng, thép, hàng không... Cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn vẫn là khả quan. Tâm lý nhà đầu tư đang hưng phấn đẩy khả năng chịu rủi ro trở nên cao hơn nên đà tăng này có thể tiếp diễn trong các phiên tiếp theo.
Dự báo, trong phiên giao dịch 5/12, VN-Index có thể tiếp tục tăng để hướng đến ngưỡng 975 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh trong phiên để tăng dần tỷ trọng cổ phiếu và hạn chế mua đuổi đối với những cổ phiếu đã tăng nóng. Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và tận dụng những phiên giảm điểm để tích lũy thêm những cổ phiếu có triển vọng tích cực.
Còn theo BVSC, các phiên điều chỉnh sâu khó diễn ra. Dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các bluechips thuộc các nhóm ngành khác nhau đã và đang tạo ra trụ đỡ vững chắc cho chỉ số VN-Index. Bên cạnh đó, dòng tiền cũng đang có sự lan tỏa tốt sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ hoặc cổ phiếu vốn hóa lớn chưa tăng, giúp độ rộng thị trường được cải thiện tích cực.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/12, VN-index tăng 9,69 điểm lên 970,02 điểm; HNX-Index tăng 1,21 điểm lên 116,7 điểm. Upcom-Index giảm 0,13 điểm xuống 54,32 điểm. Thanh khoản đạt gần 380 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 7,6 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet