Hàng loạt chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu ngành giao thông đang đứng trước nguy cơ không tiếp tục được giao vốn và tham gia dự thầu các dự án mới, bởi nợ quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành.
Chậm quyết toán - căn bệnh kinh niên
Đến tận thời điểm này, khi Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 5 dài 106 km Hà Nội - Hải Phòng dù đã hoàn thành việc nâng cấp chính tuyến từ năm 1999 và kết thúc các hạng mục nâng cao hiệu quả khai thác từ phần vốn dư vào năm 2002, nhưng chủ đầu tư là Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vẫn chưa thể duyệt được điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Những vướng mắc về xử lý kết luận hậu thanh tra và hợp thức hóa các khối lượng phát sinh khiến chủ đầu tư không “chốt” được chính xác kinh phí xây dựng.
Ông Lưu Văn Dũng, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (PMU6 - Bộ GTVT) thừa nhận: Sớm nhất thì cũng phải sang quý II/2009, đơn vị mới có thể lập quyết toán vốn đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 5 để trình Bộ GTVT phê duyệt.
Trong khi đó, hiện nay Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có mục tiêu giảm tải cho chính Quốc lộ 5 vốn bị mãn tải và xuống cấp đã được khởi công xây dựng gần 4 tháng.
Cùng chung số phận “không hẹn ngày quyết toán xong vốn đầu tư” như Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 5 là Dự án xây dựng Nhà ga hàng không quốc tế Nội Bài. Công trình có tổng mức đầu tư ước khoảng 72 triệu USD, được đưa vào sử dụng từ năm 2001, hiện tất cả các hạng mục đã hết bảo hành, thậm chí phần mái của nhà ga T1 xuống cấp tới mức dột nặng mỗi khi trời mưa, nhưng chủ đầu tư (Cụm cảng Hàng không miền Bắc) vẫn còn nợ nhà thầu chính là Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng (LICOGI) hơn 18 tỉ đồng.
Mới đây, Bộ GTVT đã phải có công văn yêu cầu chủ đầu tư phải khẩn trương hoàn tất công tác quyết toán vốn đầu tư, khi mà ngày khởi công nhà ga T2 Nội Bài đã cận kề. Theo ông Nguyễn Chí Thành, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT), 2 dự án nói trên chỉ là những ví dụ điển hình cho tình trạng “nợ quyết toán” vốn đầu tư các dự án hoàn thành, hiện đã trở thành căn bệnh kinh niên.
Số liệu thống kê của Vụ này cho thấy, hiện có khoảng 125 dự án hoặc hạng mục công trình do Bộ GTVT làm chủ đầu tư đã hoàn thành, nhưng chưa lập báo cáo quyết toán và số dự án đã có báo cáo quyết toán, nhưng chưa được các cấp có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt là 251 dự án với tổng giá trị đề nghị quyết toán là hơn 27.000 tỷ đồng.
Số lượng dự án nợ quyết toán sẽ còn tăng lên, bởi trong năm nay Bộ GTVT sẽ có thêm khoảng 28 dự án được hoàn thành công tác thi công. Cũng cần phải nói thêm rằng, theo các quy định hiện hành, chủ đầu tư phải lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư công trình, hạng mục công trình để trình cấp quyết định đầu tư phê duyệt, chậm nhất là 12 tháng đối với các dự án quan trọng cấp quốc gia (dự án nhóm A), 9 tháng đối với dự án nhóm B và 6 tháng đối với dự án nhóm C kể từ khi công trình hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng.
Cú sốc đã được cảnh báo
Để đưa ra những chế tài nhằm khắc phục căn bệnh chậm quyết toán dự án hoàn thành, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 921/TTg - KTTH. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/1/2009, sẽ không giao dự án đầu tư mới cho chủ đầu tư có 3 dự án trở lên vi phạm quy định về thời gian lập báo cáo quyết toán; không cho phép nhà thầu tham gia đấu thầu dự án mới khi chưa hoàn thành quyết toán dự án đã hoàn thành theo quy định mà lỗi thuộc về nhà thầu.
“Mặc dù chỉ khu biệt phạm vi áp dụng đối với các dự án hoàn thành sau năm 2009, song với năng lực lập, duyệt báo cáo quyết toán chưa được cải thiện, rất ít dự án có thể thỏa mãn được các yêu cầu về thời hạn hoàn thành báo cáo quyết toán mà Chính phủ quy định”, ông Dũng lo ngại.
Theo ông Thành: “Quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành tuy được quy trách nhiệm cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, song tiến độ hoàn thành khâu cuối cùng trong vòng đời một dự án giao thông lại phụ thuộc rất lớn vào 2 chủ thể khác là: nhà thầu thi công các gói thầu xây lắp và chính quyền các địa phương nơi thực hiện khâu đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB)”.
Trên thực tế, do năng lực yếu kém của nhà thầu trong công tác nội nghiệp xử lý các thủ tục liên quan đến các khối lượng phát sinh, điều chỉnh giá trị hợp đồng… nên rất nhiều dự án dù đã hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều năm, vẫn không thể hoàn tất nổi hồ sơ hoàn công.
Bên cạnh đó, sau khi tách GPMB thành 1 tiểu dự án riêng do UBND các tỉnh làm chủ đầu tư, Bộ GTVT và các chủ đầu tư dưới quyền không những rơi vào thế bị động về tiến độ bàn giao mặt bằng, mà ngay cả thời hạn hoàn thành quyết toán tiểu dự án cũng do cơ quan được giao thách nhiệm quản lý tiểu dự án đó hoàn toàn quyết định.
“Với những vướng mắc chưa có lối thoát xử lý hiệu quả đã nêu, nguy cơ bị hàng loạt các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu giao thông bị lỗi “việt vị” không được giao thêm dự án hoặc tham gia dự thầu là rất lớn. Đó thực sự là một cú sốc lớn dù đã được cảnh báo trước từ nhiều năm trước đó.”
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư