Hàng đổi hàng: Cuộc chơi may rủi

Cập nhật 09/04/2012 08:45


Chung cư Linh Đông - nơi chủ đầu tư đang thực hiện phương án hàng đổi hàng
Chủ dự án BĐS cạn vốn không thể hoàn thiện dự án, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng khó bán hàng. Họ nghĩ ra cách đổi sản phẩm cho nhau. Nhưng nguy cơ đọng vốn không vì thế mà biến mất.

Thị trường bất động sản trầm lắng cùng với xu hướng cắt giảm đầu tư công và những khó khăn của nền kinh tế đã đẩy khó khăn của các DN bất động sản lên đến đỉnh điểm.

Nhiều dự án chung cư hoàn thành xây thô nhưng thiếu vốn, không biết đến ngày nào mới hoàn thiện. Trong bối cảnh đó, Chung cư Linh Đông (quận Thủ Đức, TP. HCM) đã chấp nhận cuộc chơi hàng đổi hàng, đổi căn hộ chung cư lấy vật liệu xây dựng (VLXD) để phục vụ khâu hoàn thiện.

Anh Lê Trung Nam, chủ một đại lý kinh doanh VLXD cho biết, thời gian qua, nhiều mặt hàng VLXD như đá ốp sàn, sơn, thiết bị vệ sinh cao cấp hầu như không tiêu thụ được, lượng tồn quá nhiều và vốn “nằm chết” một chỗ. Có người bà con đang có nhu cầu mua một căn hộ tại Chung cư Linh Đông, nên anh nảy ra ý tưởng đến “rủ rê” chủ đầu tư đổi nhà lấy vật liệu. Để vẹn đôi bề, anh đã chấp nhận cắt lỗ bằng cách giảm giá 10% căn hộ để “chốt” tiền với người họ hàng, bởi chủ đầu tư vẫn giữ nguyên giá bán.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Ngọc Toại, mở cửa hàng VLXD gần Chung cư Linh Đông cũng đã đổi VLXD lấy 2 căn hộ. Anh Toại đã kịp bán cho người quen 1 căn cũng với mức giảm giá 10%. Cả anh Nam và Toại đều cho rằng, trong việc hàng đổi hàng này, hai bên cùng có lợi. Chủ đầu tư có vật liệu để hoàn thiện công trình và bán được căn hộ trong thời điểm thị trường địa ốc đóng băng; còn chủ hàng VLXD đẩy được lượng hàng tồn, có tiền để xoay xở lúc khó khăn. “Cứ lấy nhà rồi giảm giá 10% thì bán không khó, 10% đó coi như khoản chi phí bán hàng mà cửa hàng vẫn hay chiết khấu. Hơn nữa, để tiêu thụ được những đơn hàng VLXD trị giá tiền tỷ lúc này là hơi khó…”, anh Toại tính toán.'


Tuy nhiên, không phải nhà cung cấp VLXD nào cũng dám tham gia cuộc chơi hàng đổi hàng này và không phải cứ muốn “vào” công trình là được. Bởi nếu đổi vật liệu lấy nhà mà lại không bán được nhà thì chủ cửa hàng vật liệu còn bị chôn vốn lâu hơn. Anh Tùng, đại diện kinh doanh của CTCP Vương Hải với thương hiệu gạch V-block cho biết: “Một số chủ đầu tư muốn đổi gạch của Công ty lấy chung cư, nhưng chúng tôi không dám nhận lời. Chung cư đang xây nên việc tiêu thụ không dễ, vốn có thể đọng vài ba năm. Hơn nữa, giá chung cư là do chủ đầu tư đưa ra, trong khi gạch của mình có đơn giá định mức rõ ràng. Sản xuất thì ai cũng muốn bán được hàng, nhưng bán hàng theo kiểu may rủi thì chúng tôi không làm”.

Hàng đổi hàng tại thời điểm này đương nhiên là cuộc chơi may rủi. Chính vì thế mà những người quyết định đổi VLXD lấy căn hộ chung cư thường chọn những căn hộ gần hoàn thiện xong, giá tốt để phục vụ nhu cầu nhà ở của mình hoặc đã tìm mối tiêu thụ chắc chắn trước khi trao đổi.

Trong cuộc chơi này, không phải chỉ người cung cấp VLXD có lợi mà chủ đầu tư cũng hỉ hả. Ông Trần Hải Minh, Tổng giám đốc TECCO, chủ đầu tư Chung cư Linh Đông cho biết: “Hiện nay, có 3 nhà sản xuất VLXD đang đàm phán để đổi căn hộ nhưng phải xem có cùng chủng loại, chất lượng vật liệu mà mình yêu cầu hay không. Nếu thỏa thuận được, chúng tôi còn có thể chọn lựa được những chủng loại vật liệu tốt hơn so với bản thiết kế”.

Trong thời điểm khó khăn của nền kinh tế, phương thức trao đổi hàng hóa duy trì từ thời chiếm hữu nô lệ đến phong kiến đang phát huy tác dụng, dù đó chỉ là những cuộc trao đổi không phổ biến. Tuy nhiên, khi thị trường còn nhiều khó khăn, khả năng chôn vốn nhiều hơn, lâu hơn là rủi ro mà các chủ đại lý VLXD cần tính đến.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán