Xung quanh vướng mắc của người dân khi thực hiện Quyết định 58/QĐ-UBND của thành phố mà theo đó, những thửa đất ở tách sau ngày 9/4/2009 có diện tích dưới 30m2 sẽ không được cấp sổ đỏ.
Phóng viên Báo CAND đã trực tiếp làm việc với đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Qua đó, nhiều vướng mắc của người dân đã sáng tỏ. Tuy nhiên, đã xuất hiện tình trạng xung đột với luật khác khi thực hiện quy định này cùng nhiều nội dung giải thích chưa thật thỏa đáng với thực tế tình hình nhà đất và nhu cầu nhà ở của dân cư.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, bà Trương Thị Tuyết Oanh, Phó phòng Đăng ký thống kê đất đai nói: Quyết định 58/QĐ-UBND của thành phố Hà Nội là bước thực hiện Điều 17, Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định diện tích tối thiểu được tách thửa và việc cấp Giấy chứng nhận cho thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đó.
Theo khoản 3, Điều 17 quy định: "Không cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp tự tách thửa đất thành hai hoặc nhiều thửa đất, trong đó có một hoặc nhiều thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích đất tối thiểu theo quy định của UBND cấp tỉnh".
Trả lời về vướng mắc của hàng ngàn hộ gia đình giao đất cho dự án, còn lại phần diện tích đất ở nhỏ hơn 30m2, bà Oanh cho biết: Những trường hợp này chỉ cập nhật đăng ký biến động đất ở đằng sau Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không phải cấp sổ đỏ mới vì họ đã được cấp rồi. Còn diện tích đó có được xây dựng nhà hay không lại do Luật Xây dựng và quy hoạch thành phố quy định.
Theo chúng tôi được biết, tại Điều 3, Quyết định 39/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định: Nếu phần diện tích đất còn lại nhỏ hơn 15m2 có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m thì không được phép xây dựng; nếu phần diện tích đất còn lại từ 15m2 đến nhỏ hơn 40m2 có chiều rộng mặt tiền từ 3m trở lên và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên thì được xây dựng không quá hai tầng.
Đối với những hộ dân nhận đất dịch vụ nhỏ hơn 30m2 sau khi giao đất nông nghiệp để làm dự án, thì hiện nay chưa rõ hướng xử lý. Cách thức trước đây thuộc tỉnh Hà Tây áp dụng, là các hộ được nhận đất dịch vụ nếu không đủ diện tích một suất (khoảng 50m2, tùy theo quy hoạch đô thị được duyệt) thì phải ghép hộ, sau đó chuyển nhượng hoặc đồng sở hữu sử dụng lâu dài.
Nếu như quy định trước đây, trên mảnh đất dịch vụ họ có quyền xây dựng nhà ở nhưng trên thực tế, qua nhiều năm các hộ trong diện này chưa được nhận đất dịch vụ do lỗi của các cơ quan chức năng chậm thực hiện. Nay quy định mới dưới 30m2 lại chưa có hướng giải quyết gây khó khăn cho người dân! Việc thực hiện quyết định này cũng đã va chạm với việc chia thừa kế theo Luật Dân sự.
Chẳng hạn một người cha có mảnh đất 56m2 muốn tách làm hai thửa chia thừa kế cho hai người con. Theo quy định mới sẽ không cấp sổ đỏ cho tài sản hợp pháp đó của hai người con. Điều này vô tình đã hạn chế đến việc thực hiện chia thừa kế. Luật sư Trần Công Trục cho biết, trong trường hợp này phải tìm biện pháp khác chẳng hạn thỏa thuận giá trị của mảnh đất thừa kế rồi mới phân chia cho phù hợp, đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan.
Dù sao thì cũng gây khó cho người dân có nhu cầu, nhưng vì yêu cầu cao hơn là thực hiện quy hoạch đô thị của thành phố. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thừa nhận điều này, và sẽ nêu ý kiến đến cấp thẩm quyền xem xét, xử lý.
Đối với hàng vạn hộ gia đình mua đất trong dân cư thuộc làng, xã của Hà Tây (cũ) kể cả nội thành Hà Nội có diện tích nhỏ hơn 30m2, theo bà Oanh thì: Theo Luật Đất đai 1993, hạn mức đất ở trong các hộ dân ở nông thôn không quá 200m2/hộ. Những hộ có diện tích đất lớn, thì ngoài diện tích đất ở như trên, trong hồ sơ còn ghi đất vườn, ao.
Thực tế những ai mua đất trong dân mà đã tách thửa kể cả nhỏ hơn 30m2 trước ngày 9/4/2009, thì vẫn được cấp sổ đỏ bình thường. Việc xác định loại đất, vị trí có hồ sơ hoặc không có hồ sơ thì Hội đồng đất đai ở phường, xã xác nhận xem có đủ điều kiện cấp sổ đỏ hay không.
Vì thế, người dân có nhu cầu mua đất ở cần chú ý những quy định này. Những hoang mang của người dân đã phần nào được đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường - nơi tham mưu cho lãnh đạo thành phố về quản lý tài nguyên đất trên địa bàn Hà Nội giải thích, tuy nhiên còn một số vướng mắc khi thực hiện QĐ 58 sẽ gặp phải ở cấp cơ sở.
Với những người có thu nhập thấp, việc mua nhà đất ở Hà Nội trên 30m2 để được cấp giấy tờ như mong muốn có lẽ sẽ gặp khó khăn gấp bội. Theo bà Oanh thì Nhà nước đang xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Nhưng quỹ nhà có lẽ chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân có thu nhập thấp của Thủ đô.
DiaOcOnline.vn - Theo CAND