Tại cuộc họp về công tác điều hành giá cả, ngày 25/2 tại Hà Nội, báo chí đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh.
* Thưa Bộ trưởng, Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra nhiều giải pháp chống lạm phát, trong đó có việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Như vậy, liệu có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm?
Việc điều hành chính sách tiền tệ là cần thiết trong bối cảnh phải áp dụng tổng thể các giải pháp để kiểm soát lạm phát, kiểm soát tốc độ tăng giá, đảm bảo tăng trưởng.
Tuy nhiên, trong việc điều hành vẫn phải đảm bảo mục tiêu kiểm soát và lành mạnh hóa các khoản cho vay, ví dụ như dư nợ tín dụng. Những khoản vay góp phần tăng tình trạng đầu cơ thì chúng ta không khuyến khích.
Bên cạnh đó là việc điều hành lãi suất theo nguyên tắc lãi suất dương. Trong điều kiện hiện nay nếu điều hành theo lãi suất âm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các tổ chức tín dụng, đồng thời ảnh hưởng cả đến nền kinh tế.
Chính việc điều hành tỷ giá, lãi suất như thời gian vừa qua đã góp phần làm lành mạnh hóa các nội dung, mục tiêu vay. Những trường hợp vay không hiệu quả dứt khoát phải thu hẹp.
* Trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô do Bộ Tài chính đưa ra, có đề cập đến những biện pháp đảm bảo cho thị trường bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh, kiểm soát đầu cơ bất động sản. Các biện pháp đó là gì?
Thị trường bất động sản hiện nay phát triển khá nóng. Tất nhiên có nhiều biện pháp để kiểm soát thị trường bất động sản. Trước hết về mặt tín dụng phải kiểm soát làm sao cho tín dụng lành mạnh.
Nếu chúng ta phát triển được cung hàng hóa, tiếp tục đầu tư các dự án đô thị, nhà ở, văn phòng cho thuê thì vẫn khuyến khích. Nhưng nếu cho vay để đầu tư bất động sản thì không khuyến khích.
Ngoài biện pháp quản lý tiền tệ, tín dụng, Chính phủ cũng có thể áp dụng một số giải pháp như: Quản lý dự án đầu tư, tránh việc chuyển nhượng, mua bán dự án một cách bất hợp pháp, khi chưa ra sản phẩm đã bán…
Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi đang nghiên cứu, đối với thị trường hàng hóa, có thể Nhà nước sẽ thu về những phần chênh lệch không hợp pháp đó. Bên cạnh đó Bộ Tài chính cũng đang xúc tiến sửa đổi Pháp lệnh về Thuế Nhà đất.
* Về thông tin sẽ có một chỉ thị 03 đối với bất động sản (hạn chế cho vay), Bộ trưởng có bình luận gì?
Như tôi đã nói, cần phải xem việc cho vay này là như thế nào, nhằm vào việc gì. Nếu phát triển thị trường bất động sản lành mạnh thì không nên hạn chế. Nếu cho vay đầu cơ bất động sản thì nên hạn chế.
* Tại cuộc họp của Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia vừa qua, có ý kiến ủng hộ quy định nghiệp vụ tài khoản ký quỹ cho các công ty chứng khoán mà UB Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính đưa ra?
Giải pháp thực hiện phải tổng thể và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chính phủ rất muốn thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bảo vệ các quyền lợi của nhà đầu tư.
Tuy nhiên các chính sách này không phải là can thiệp thô bạo vào thị trường bằng các mệnh lệnh hành chính, mà bằng các cơ chế chính sách phù hợp với thị trường.
Quy định nghiệp vụ tài khoản ký quỹ cho các công ty chứng khoán cũng là một giải pháp mà Bộ Tài chính đang nghiên cứu, xem xét cho thực hiện càng sớm càng tốt.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng.