Hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh: Vẫn lo lún sụt

Cập nhật 15/03/2008 07:00

Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đã cảnh báo việc xây công trình hầm chui thuộc công trình cầu Thủ Thiêm - còn gọi là hầm Nguyễn Hữu Cảnh - Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

Vì sao?

Sáng 14-3, trên công trường xây dựng hầm chui và nút giao thông Nguyễn Hữu Cảnh (thuộc dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm giai đoạn 2), gần 30 công nhân và kỹ sư đang khoan cọc nhồi vào lòng đất sâu 64m.

Tuy nhiên, đơn vị chỉ đóng cọc khoan nhồi ở khu vực hầm chui có độ sâu nhất là 4,5m và chưa đóng cọc ở đoạn hầm dài 220m có độ sâu 4,5-10,5m vì còn chờ các cơ quan thẩm định thiết kế thi công.

Thiết kế hầm "có vấn đề"?

Ông Nguyễn Xuân Bảng - giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, TP.HCM, chủ đầu tư dự án - cho biết: hồ sơ thiết kế và giải pháp thi công đã được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Hội đồng nghiệm thu nhà nước thẩm định các công trình xây dựng đã đánh giá về thiết kế kỹ thuật điều chỉnh hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh và lưu ý chủ đầu tư về một số giải pháp cần được bổ sung trong thi công như: vấn đề kiểm soát chất lượng cọc đất gia cố trong tầng bùn nằm ở độ sâu chứa nhiều chất hữu cơ, các cọc ván thép không cắm vào tầng đất tốt…

Ông Nguyễn Văn Toàn - trưởng Ban quản lý dự án cầu Thủ Thiêm - cho biết đơn vị tư vấn thiết kế đã tính toán và đề xuất phương án 3 là: đóng cọc ván thép kết hợp với khoan cọc đất gia cố ximăng, gia cố hố đào.

Theo đó, sử dụng công nghệ cọc gia cố ximăng để gia cố lớp đất yếu phía dưới hố đào, kết hợp với đóng cọc ván thép và thi công đào hố móng. Ngày 13-3, đơn vị tư vấn thiết kế đã trình phương án trên để thẩm tra lần cuối trước khi thi công.

Vẫn còn lo

Cả chủ đầu tư dự án và nhà thầu thi công đều tỏ ra lo lắng về công trình xây hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh. Lý do là tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh đã xảy ra quá nhiều sự cố trước đây như: hầm chui Văn Thánh bị lún, cầu Văn Thánh 2 hư hỏng, đường Nguyễn Hữu Cảnh bị lún nên ngập nước, đường dẫn vào cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bị lún. Không những vậy, hiện có một số công trình xây dựng nhà cao tầng cũng đang có hiện tượng lún sụt.

Theo ông Ngô Quang Vinh - giám đốc điều hành dự án cầu Thủ Thiêm, rất lo ngại khi đào đoạn hầm dài 220m và ở độ sâu 4,5-10,5m trong một khu vực có túi bùn dày 30-40m. Do đó, sau khi chủ đầu tư phê duyệt phương án thi công, đơn vị cũng sẽ bổ sung một số biện pháp thi công để đảm bảo độ an toàn nhất cho công trình. "Chủ đầu tư đã mua bảo hiểm công trình, chúng tôi là nhà thầu cũng mua bảo hiểm công trình để tránh bị thiệt hại nếu xảy ra sự cố" - ông Vinh nhấn mạnh.

Còn Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 cho biết dự kiến cuối năm 2008 sẽ hoàn thành hạng mục hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh và nút giao thông tại đây. Ông Ngô Quang Vinh nói: "Tôi mong chủ đầu tư đừng thúc ép tiến độ thi công ở công trình đào hầm tại khu vực có nền đất yếu".

Hầm Nguyễn Hữu Cảnh được thiết kế ra sao?

Hầm được thiết kế dài 460m, rộng 19m cho bốn làn xe lưu thông với tốc độ thiết kế 60km/giờ, trong đó hầm kín dài 60m, còn lại là hầm hở.

Phía trên hầm có hai nhánh cầu Thủ Thiêm gồm nhánh N1 từ cầu Thủ Thiêm băng đường Nguyễn Hữu Cảnh hướng từ Q.Bình Thạnh về Q.1 và nhánh cầu N4 hướng từ cầu Thủ Thiêm (Q.2) băng đường Nguyễn Hữu Cảnh vào đường Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh). Nằm dọc hai bên hầm Thủ Thiêm mỗi bên có hai làn xe lưu thông.


Theo Tuổi Trẻ