Hai năm nữa mới có nhà ở xã hội

Cập nhật 07/05/2013 08:23

Những người thu nhập thấp sẽ có cơ hội mua nhà ở xã hội, song với tốc độ thực hiện dự án như hiện nay, nhiều khả năng họ sẽ phải chờ đến năm 2015 mới có thể thấy loại hình nhà ở này.


Một góc khu dân cư tại TPHCM. Ảnh: Đình Dũng

Đã có khá nhiều dự án nhà ở thương mại xin chuyển sang phân khúc này kể từ khi có chủ trương từ đầu năm nay. Thống kê sơ bộ của Bộ Xây dựng cho thấy, đã có 24 dự án nhà ở thương mại xin chuyển sang nhà ở xã hội với gần 25.000 căn, tập trung chủ yếu tại Hà Nội (khoảng 8.000 căn) và TPHCM (12.000 căn).

Tổng giám đốc một doanh nghiệp (không muốn nêu tên) tại TPHCM cho biết, ông đang làm thủ tục xin chuyển 400 căn hộ sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, gần hai tháng qua mọi việc đang dừng ở mức giải trình lý do xin chuyển đổi và chờ thủ tục. “Tôi nghĩ phải hết năm nay mới xong khâu thủ tục và phải sang năm sau mới có thể rục rịch xây dựng”, ông cho biết.

Ông kỳ vọng chính sách hỗ trợ, nếu làm tốt, sẽ giúp nhiều người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận nhà ở, cũng như giúp dòng sản phẩm của thị trường đi vào đúng đối tượng có nhu cầu, thay vì để lệch pha như trước đây.

Vị này cho rằng với chính sách hỗ trợ như tiền sử dụng đất, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp hay lãi suất thấp ổn định, doanh nghiệp có thể đưa giá căn hộ về gần với khả năng tài chính của người thu nhập thấp.

Chẳng hạn những căn hộ đang có giá bán khoảng 700 triệu đồng, nếu được hỗ trợ các khoản ưu đãi, sẽ giảm xuống còn khoảng 500 triệu đồng. Nếu được hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp, người mua nhà chỉ cần có 100 – 150 triệu đồng là có thể mua nhà ở xã hội.

Nghị định 34/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 22-4 vừa qua đã mở rộng đối tượng thuê, thuê mua (mua trả góp) nhà ở xã hội, trong đó có những người nghèo, thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Vấn đề là bao giờ gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng mới thực sự được giải ngân, bởi tới thời điểm này Ngân hàng Nhà nước chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho biết công ty có hai dự án xin làm nhà ở xã hội, trong đó có dự án 2.500 căn nằm dọc theo đại lộ Đông-Tây thuộc quận Bình Tân, TPHCM. Tuy nhiên, sau vài tháng nộp hồ sơ, cả hai dự án này chưa được chấp thuận vì vướng quy hoạch tại khu vực đó.

Cùng quan điểm với các đồng nghiệp, ông Nghĩa cho rằng gói hỗ trợ của Chính phủ không phải để cứu thị trường bất động sản, mà tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp có thể mua nhà. Hơn nữa, khi gói hỗ trợ này được giải ngân sẽ tạo tâm lý tích cực lên các phân khúc khác, giúp thị trường chạy theo và ấm dần lên.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của người từng làm dự án, ông Nghĩa cho rằng nếu làm tốt thì nhanh cũng phải đến năm 2015 mới có nhà ở xã hội cho người dân, bởi thời gian làm thủ tục và xây dựng không thể ngày một ngày hai mà xong.

Trong các dự án nhà ở xã hội sử dụng vốn ngân sách, TPHCM mới có dự án dự án chung cư số 157/R8 đường Tô Hiến Thành tại quận 10 vừa xây xong với 176 căn. Tuy nhiên, đã có 108 người đăng ký nguyện vọng mua nhà ở xã hội tại dự án này.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, cho biết nhiều doanh nghiệp đang sống trong kỳ vọng vào sự chuyển biến của thị trường, và hy vọng Ngân hàng Nhà nước sớm có thông tư hướng dẫn để gói 30.000 tỉ đồng được triển khai, qua đó sẽ góp phần kích thích thị trường căn hộ.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG