Hai khu đất dành cho việc di dời trụ sở bộ, ngành tại Hà Nội

Cập nhật 27/08/2012 13:30

Mặc dù đã có chủ trương di dời các bộ, ngành tại Hà Nội, nhưng nguồn vốn, quỹ đất để xây dựng trụ sở mới cũng như vấn đề sử dụng trụ sở cũ vẫn còn nhiều vướng mắc.

Trụ sở mới của Bộ Nội vụ tại khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đã làm việc với đại diện các bộ, ngành về dự thảo quy hoạch di dời trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trung ương và các đoàn thể tại Hà Nội, tầm nhìn đến 2030.

Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội đã rà soát 28 cơ quan bộ, ngành Trung ương thuộc khu vực nội đô lịch sử giới hạn từ bờ Nam sông Hồng đến đường vành đai 2, trên địa bàn 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ (không tính đến cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội ở trung tâm Ba Đình).

Kết quả rà soát cho thấy có 11 cơ quan đã được cấp thẩm quyền chấp nhận chủ trương đề xuất di dời do không phù hợp định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phân khu được duyệt; cơ sở vật chất cũ đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Đó là các bộ Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Giao thông vận tải, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê.

Có 9 cơ quan nằm trong diện xem xét chưa di dời, là các cơ quan có chức năng đặc thù an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia, trụ sở làm việc đã được đầu tư xây dựng cải tạo mới, gồm các bộ Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Văn phòng Quốc hội, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc vẫn đề xuất di dời Bộ Quốc phòng để bảo tồn thành cổ Hà Nội và di dời Văn phòng Quốc hội sau khi công trình nhà làm việc Quốc hội xây dựng xong.

8 cơ quan còn lại đã thực hiện chủ trương di dời. Các cơ quan này đang xây dựng hoặc đã hoàn thành việc xây dựng trụ sở mới nằm ngoài nội đô thành phố, gồm: Bộ Nội vụ (đã xây dựng trụ sở mới tại khu đô thị mới Cầu Giấy), Bộ Khoa học và Công nghệ (đã xây trụ sở mới tại 113 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy), Bộ Công an (đã xây trụ sở mới tại đường Phạm Văn Đồng), Bộ Ngoại giao (trụ sở mới tại đại lộ Thăng Long, huyện Từ Liêm), Bộ Tài nguyên và Môi trường (trụ sở tại khu đô thị mới Cầu Giấy), Thanh tra Chính phủ (trụ sở mới tại khu đô thị mới Cầu Giấy), Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (trụ sở mới tại Khu đô thị mới Cầu Giấy), Tòa án Nhân dân Tối cao (trụ sở mới tại khu đô thị mới Cầu Giấy).

Tại buổi làm việc, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, trong dự thảo quy hoạch di dời trụ sở các bộ, ngành, hiện có các quy hoạch vị trí xây dựng trụ sở mới tại hai khu vực là trung tâm Tây hồ Tây và khu vực Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia tại Mễ Trì.

Quỹ đất để bố trí các cơ quan đề xuất chưa di dời khoảng 77 ha. Trong đó, khu trung tâm Tây hồ Tây có quy mô khoảng 27 ha, dự kiến sẽ bố trí trụ sở mới các bộ. Khu vực Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia tại xã Mễ Trì có quy mô khoảng 30 - 50 ha, dự kiến bố trí trụ sở mới cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội.

Theo dự thảo quy hoạch, vị trí của hai khu vực này có ưu điểm nằm trên tuyến đường giao thông thuận tiện gồm đường vành đai 3, các tuyến đường sắt đô thị, tuyến đường giao thông huyết mạch chung của Thủ đô. Trong bản đồ quy hoạch chung Thủ đô, hai khu vực này nằm kết nối trong tuyến trục không gian cảnh quan văn hóa từ phía Cổ Loa sang phía bán đảo Tây Hồ và kết nối sang các khu vực phía Tây Thủ đô.

Đại diện các Bộ Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội đều băn khoăn: với quy mô diện tích 27 ha chia đều cho các bộ, khoảng 2 ha/bộ liệu có hợp lý, bởi trụ sở của một số bộ hiện có diện tích rộng hơn rất nhiều?

Bên cạnh đó, về cơ chế như xây dựng, các bộ tự lo tài chính hay có thể bàn với Bộ Tài chính, UBND thành phố Hà Nội bán trụ sở cũ để xây dựng trụ sở mới? Trụ sở cũ có được quy hoạch làm thương mại, nhà ở hay không? Kinh phí di chuyển được giải quyết như thế nào?

Rồi vấn đề liên quan đến sắp xếp các bộ khi di dời như mỗi bộ một khu vực hay là tổ hợp chung? Về phương thức đầu tư, mỗi bộ tự lập ra một ban quản lý dự án hay giao cho UBND thành phố Hà Nội thực hiện?

Về vấn đề này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, sau khi các cơ quan bộ, ngành được di dời khỏi khu vực nội đô thành phố, sẽ có quỹ “đất vàng” khoảng gần 60 ha, bao gồm 3,48 ha quỹ đất các cơ quan đã di dời, 16,35 ha quỹ đất các cơ quan thuộc diện đề xuất di dời và gần 31 ha các cơ quan được xem xét di dời trong giai đoạn sau.

Các khu đất sau khi di dời về địa điểm mới sẽ được bố trí chức năng sử dụng đất phù hợp quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (kèm quy định quản lý), quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được duyệt. Ưu tiên đáp ứng nhu cầu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của khu vực, bố trí chức năng công cộng, tiện ích phục vụ đô thị.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cũng đề nghị các bộ chủ động đề xuất quy hoạch hiện trạng, vị trí đang sử dụng. Bộ Tài chính đề xuất cơ chế di dời, nghiên cứu định giá tạm thời các khu đất.

Đồng thời, đề nghị Viện Kiến trúc quy hoachh đô thị và nông thôn kết hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tiếp tục hoàn thiện và soạn thảo dự thảo tờ trình kèm bản vẽ, để Bộ Xây dựng sớm trình Thủ tướng Chính phủ về dự thảo quy hoạch di dời trụ sở các bộ, ngành trước ngày 1/9/2012.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy