Thủ tướng đã đồng ý cho TPHCM chuyển 26.000ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ. Đây là nguồn lực rất to lớn, tạo nguồn vốn cho TP phát triển. Giá trị ước tính sơ bộ là 1,5 triệu tỷ đồng nếu đem đấu giá. Khi thực hiện chủ trương này, vấn đề pháp lý và quyền lợi của những người có đất phải thu hồi có được bảo đảm?
Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với luật sư Trần Đình Dũng (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) về vấn đề này.
* Đề nghị luật sư phân tích về tính pháp lý trong việc thu hồi, đấu giá quyền sử dụng 26.000ha đất nông nghiệp sau khi chuyển sang đất phi nông nghiệp, đất ở đô thị, công nghiệp, dịch vụ?
° Luật sư TRẦN ĐÌNH DŨNG: Thu hồi đất là vấn đề hệ trọng, đối với đất trồng lúa lại càng phải xem xét chặt chẽ nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Theo quy định, để thu hồi, chuyển đổi 10ha trở lên phải được cơ quan cấp trên xem xét, quyết định. Việc TPHCM thu hồi, đấu giá 26.000ha đất trồng lúa nhằm tạo thêm nguồn lực cho ngân sách 1,5 triệu tỷ đồng là việc làm có cơ sở pháp lý cụ thể.
Đó là TPHCM đã căn cứ theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Theo Điều 3, quy định về quản lý đất đai, HĐND TPHCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa từ 10ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nhiều khu dân cư đông đúc, nhà ở cao tầng nhưng nguồn gốc đất vẫn còn đất lúa, đất vườn vì nằm trong khu quy hoạch treo lâu năm |
Nguồn lực đất đai của TPHCM dành cho công nghiệp, dịch vụ, đô thị chưa tương xứng, trong khi đó, nguồn lực đất đai dành cho nông nghiệp còn nhiều nhưng chưa biết cách khai thác. Cho nên TPHCM đã kiến nghị giảm tỷ lệ đất nông nghiệp, tăng đất cho công nghiệp, dịch vụ và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
°
Trong 26.000ha đất nông nghiệp chuyển đổi, diện tích đất do người dân trực tiếp quản lý, sử dụng rất lớn. Những nhà cửa, đất đai có nguồn gốc trồng lúa liệu có bị thu hồi, đấu giá không?
° Cơ sở pháp lý cao nhất điều chỉnh các quan hệ liên quan đến vấn đề quy hoạch, thu hồi, sử dụng đất là Luật Đất đai. Theo Luật Đất đai, thẩm quyền thu hồi đất thuộc về Nhà nước.
Tuy nhiên, việc thu hồi phải đúng quy hoạch và trình tự thủ tục theo quy định pháp luật. Nghị quyết 54 quy định quy chế đặc thù cho TPHCM nhưng việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá, đền bù… phải tuân thủ đúng Luật Đất đai.
Với quy định này, nhà đất của người dân sẽ là đối tượng bị thu hồi, đấu giá nếu khu đất nằm trong quy hoạch, đã đưa vào kế hoạch thu hồi, sử dụng đất. Khi Nhà nước ban hành quyết định thu hồi đất, người dân phải chấp hành. Người dân muốn biết nhà đất có bị thu hồi mang ra đấu giá hay không phải trực tiếp hỏi chính quyền các cấp.
Đối với trường hợp nhà đất nằm trong khu quy hoạch đất ở đô thị, khu dân cư ổn định, người dân an tâm sinh sống và chỉ thực hiện nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước khi chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đất ở (đất phi nông nghiệp).
°
Đã có nhiều vụ khiếu nại kéo dài hàng chục năm vì đền bù thu hồi đất không thỏa đáng, người dân di dời đến nơi ở mới không bằng nơi ở cũ. Quyền lợi của người dân bị thu hồi đất để đấu giá liệu có bảo đảm?
° Nghị quyết 54 quy định rõ, việc chuyển đổi phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quá trình thực hiện phải công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu tác động của chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên được thực hiện như trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.
Thực tế thời gian qua cho thấy, chủ trương đền bù, giải tỏa, tái định cư rất hay nhưng khi thực hiện lại chưa tốt. Theo quy định, thẩm quyền thành lập hội đồng đền bù và xây dựng, ban hành phương án về giá đền bù cũng như việc thực hiện thuộc về các cấp chính quyền, mà cụ thể là UBND TPHCM.
Vì thế, khi quy định khung đã rõ ràng, chính sách thu hồi, đền bù phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người bị thu hồi đất. Mỗi khi quyền lợi của người bị thu đất bảo đảm, người dân đồng tình thì chắc chắn chương trình lớn của thành phố sẽ thành công.
DiaOcOnline.vn - Theo SGGP