Ông Dean Cira – chuyên gia trưởng về đô thị của World Bank - chỉ ra rằng: Chính sách nhà đất hai giá đang tồn tại (giá do Nhà nước quy định thấp và giá thị trường cao gấp nhiều lần) là một sai lầm trong quản lý đất đai, làm hạ giá trị tài sản quý giá của quốc gia.
Những dẫn chứng cụ thể của nghiên cứu cho thấy có sự khác biệt lớn giữa giá đất do Nhà nước quy định với giá thị trường (thường cao gấp 10 lần giá quy định). Theo nhóm nghiên cứu, đây là nguồn gốc bóp méo giá trị thật của đất và gây trở ngại lớn trên thị trường BĐS VN. Hệ thống hai mức giá này có thể đem lại giá trị và lợi ích đột ngột, quá lớn cho các DN xây dựng phát triển BĐS - phần lớn là DNNN - nhà đầu tư và nhà đầu cơ vì họ chỉ phải trả một khoản rất nhỏ cho giá đất trong khi bán ra với giá cực lớn.
Điều đáng buồn là phần “siêu lãi” này không vào Nhà nước, chỉ vào túi DN hoặc cá nhân. Ngoài ra, các quyết định phân bổ, các giao dịch liên doanh, thuế phí đầu tư thường dựa trên giá đất quy định của Nhà nước nên giá trị bị giảm khiên cưỡng, giả tạo. Những hệ lụy của chính sách hai giá đất là Nhà nước đang gây thiệt hại cho chính mình và người dân của mình khi hạ thấp giá trị của một trong những tài sản quốc gia quý giá nhất. Đồng thời tạo cơ hội cho giới đầu cơ nhà đất, giới đầu tư BĐS kiếm siêu lợi, tạo mảnh đất tốt cho tiêu cực phát triển.
Vì vậy việc đi đến áp dụng chính sách một giá nhà đất đang được Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, rất cần sớm thành hiện thực. Có như vậy nguồn tài sản quốc gia “không sinh không đẻ” này mới được trả lại giá trị thực “quý như vàng” của nó.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động