Hải Dương: Nhà xác xơ, đất hoang phế vì khu công nghiệp

Cập nhật 05/11/2007 09:00

Mở mắt là gặp ô nhiễm, hàng nghìn người dân ở thị trấn Phú Thái (Kim Thành, Hải Dương) đang cơ cực “chịu trận” mỗi ngày trước mức độ ô nhiễm trầm trọng từ 13 doanh nghiệp sản xuất tại địa bàn.

Cụm công nghiệp Phú Thái là nơi tập trung của 13 đơn vị sản xuất, kinh doanh xi măng, giấy, bia, may mặc… Trước khi có quyết định phê duyệt cụm công nghiệp này, người dân Phú Thái đã không đồng tình, họ cho rằng đó là quyết định vội vàng, chỉ vì lợi ích doanh nghiệp mà chưa quan tâm đến sức khoẻ người dân.

Mặc dù chưa ai dám khẳng định chất thải từ khu công nghiệp này nguy hiểm như thế nào, nhưng ở Phú Thái đã có người tử vong do căn bệnh ung thư, còn số người bị bệnh phổi, bệnh ngoài da, viêm họng, theo cách nói của người dân thì “nhiều lắm”.

Nằm sát nhà máy giấy và xi măng, mặc dù che chắn tứ bề nhưng bốn bức tường xây của gia đình chị Đỗ Thị Thích vẫn không hạn chế được khói, bụi thải ra từ nhà máy. Chị Thích nói, suốt ngày tiếp xúc với bụi bẩn, nước thải hôi thối làm cho sức khoẻ con người cứ thế giảm đi.

Kết quả khám bệnh cho thấy, chị bị viêm phổi nghiêm trọng và viêm họng mãn tính. Kêu doanh nghiệp nên xử lý triệt để các chất gây ô nhiễm, họ chẳng nghe. Cầu cứu chính quyền ngó mắt tới dân sinh của bà con trong vùng, chính quyền không có động tĩnh. Chẳng đặng đừng, chị đành dẫn theo con nhỏ bỏ nhà ra đi…



Nhà máy nằm sát ngay nhà dân.


Đã có nhiều đơn từ của bà con trong vùng gửi các cấp chính quyền, nhưng hồi đáp lại vẫn là sự lặng im đáng sợ. Xót xa trước cảnh này, ông Nguyễn Văn Điển - tổ 12, nghẹn giọng: “Hàng trăm lá đơn được gửi đi, nhưng kết quả giải quyết vẫn là con số không, khác với điều mà bà con mong muốn”.

Không có hệ thống xử lý, hàng ngày nước thải từ khu công nghiệp này vẫn “hồn nhiên” chảy ra sông Kinh Thầy. Người dân nói rằng, nguồn nước tưới tiêu trong lành của dòng sông này chắc chắn cũng mang trong mình mầm bệnh cho mai sau.

Chưa nói chuyện mai sau, hệ luỵ trước mắt của hành động coi thường môi trường cũng đã thấy rõ. Chỉ đơn cử là việc có đến 3,5 ha đất nông nghiệp xung quanh nhà máy Kinh Thành cũng không thể trồng cấy gì trong vòng 6 năm.

Theo ông Dương Văn Long - Phó chủ tịch thị trấn Phú Thái, nước thải chảy xuống sông không những ảnh hưởng đến nông nghiệp, mà cách đó không bao xa là điểm lấy nước của Nhà máy nước sạch Phú Thái, cấp cho 7.000 người dân thị trấn và một phần dân số của xã Kim Anh, Phúc Thành.

Ông Long nói, đã qua nhiều kỳ họp HĐND và lần nào vấn đề ô nhiễm ở Phú Thái cũng bị chất vấn. Nhưng nói theo cách của bà Thích, cách giải quyết của chính quyền cũng chẳng đến đầu đến đũa. Ruộng vẫn bỏ hoang vì nhúng chân xuống là bị ghẻ lở, ngứa ngáy. Nhà cửa thì hoang lạnh. “Nghĩ mà đau lòng”, bà Thích thở dài bất lực.

Trả lời phóng viên về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Nghiệp, Phó phòng Tài nguyên môi trường huyện Kim Thành, thẳng thắn: Ô nhiễm là đương nhiên vì doanh nghiệp không mặn mà với việc đảm bảo môi trường. Thậm chí, doanh nghiệp còn có thái độ bất hợp tác với chính quyền trong việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về môi trường tại khu công nghiệp.

“UBND huyện nhiều lần tổ chức họp nhưng nhiều chủ doanh nghiệp không đến, thậm chí cán bộ huyện ra kiểm tra, họ còn né tránh không tiếp”, ông Nghiệp nói.

Ông Nhiệp lấy ví dụ về sự chây ì của doanh nghiệp, rằng UBND huyện đã đứng ra làm “đầu mối”, huy động các doanh nghiệp xây dựng 1 kênh dẫn nước thải chỉ chừng 400 triệu đồng. Khi hô hào thì ai cũng hưởng ứng nhưng khi nộp tiền thì ậm ừ. Và kết quả là đã 4 năm nay đường kênh dẫn chất thải rất ít tốn kém này vẫn chưa xong.

Theo Dân Trí