Hai bộ lệch pha báo cáo BĐS: Không nỡ nói thật quá!?

Cập nhật 24/11/2015 08:46

Đâu đó người ta có chỉ ra những mảng chưa rõ ràng, chưa sáng hơn, nhờ nhờ thậm chí còn đen sau mỗi báo cáo đẹp cũng là dễ hiểu

Không "ấm" thì khó "khỏe"

Thời báo Kinh tế Việt Nam vừa phát hiện một thông tin thú vị về báo cáo của Bộ Nội vụ trình bày trước Quốc hội và phần trả lời chất vấn của ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Theo đó, trong báo cáo  về kết quả 7 năm thực hiện nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, Bộ Nội vụ chỉ ra các hạn chế: tăng trưởng còn nhiều hạn chế; thu hút vốn chưa tương xứng; đầu tư công dàn trải; BĐS đóng băng và được coi là một hạn chế của kinh tế Thủ đô, sau 7 năm mở rộng.

Ảnh minh họa

Thế nhưng, ngày 19/11, trả lời chất vấn trước Quốc hội Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: “thị trường bất động sản được cải thiện, phục hồi rất tích cực, góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội”.

Trao đổi với Đất Việt, ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho biết, sở dĩ Bộ Xây dựng thì có báo cáo tốt còn Bộ Nội vụ thì nhận xét xấu vì liên quan trực tiếp tới thành tích của Bộ Xây dựng.

Qua những lần đi khảo sát thực tế, đánh giá về thị trường BĐS chỉ riêng với hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, ĐBQH Huỳnh Văn Tiếp cho biết có rất nhiều dự án được phê duyệt nhưng không được thực hiện và tới nay, những khó khăn này vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ.

"Có khoảng 4100 dự án ở Hà Nội đã được phê duyệt và đi vào hoạt động nhưng hiệu quả theo đánh giá là rất thấp. Từ hiệu quả thấp như vậy làm sao nói BĐS góp phần thúc đây tăng trưởng kinh tế. Ở đây nếu đánh giá đúng thì phải là kìm hãm sự phát triển kinh tế chứ", ông Tiếp thẳng thắn.

Ông cũng cho biết, trục trặc trong báo cáo là vấn đề dễ thấy ở nhiều bộ ngành hiện nay. Mặc dù nhìn vào thực tế ai cũng có thể biết ngay được kết quả, song dường như có một "sự không đành lòng, không nỡ" báo cáo quá thật, hoặc báo cáo không tốt về đơn vị mình.

Vị ĐBQH cho rằng, cứ nhìn lại ngay báo cáo của Bộ Nội vụ khi đánh giá về chất lượng, cán bộ công chức sẽ biết tình trạng "làm đẹp" báo cáo ở các bộ ngành, địa phương phổ biến tới mức nào. Dù biết chắc sẽ bị phản ứng và không ai có thể tin được nhưng Bộ Nội vụ vẫn đưa ra báo cáo có tới 99% cán bộ công chức hoàn thành nhiệm vụ.

Ở đây, còn liên quan tới vấn đề thống kê sai, thống kê ảo, thống kê để làm đẹp các con số. Vì thế, báo cáo của Bộ Xây dựng chỉ là một tài liệu tham khảo, Chính phủ và các cơ quan liên quan phải có sự kiểm chứng, đánh giá lại toàn bộ hiệu quả thực của các dự án BĐS.

Hiện nay, nợ xấu BĐS chủ yếu nằm ở ngân hàng. Trong khi các dự án được đầu tư gần như vẫn chôn chân tại chỗ, không bán được, cũng không có người mua. Như vậy, có thể nói BĐS đang ấm lên được không? Ấm chỗ nào?

"Là Bộ trưởng Bộ Xây dựng thì phải báo cáo thị trường BĐS ấm lên chứ chẳng lẽ lại báo cáo "rét" hay sao? Phải ấm lên thì Bộ trưởng mới "khỏe" được chứ", ông Tiếp hài hước.

Tuy nhiên, ông Tiếp đặc biệt cảnh báo nếu cứ dựa vào những báo cáo này để làm chính sách sẽ rất nguy hiểm, thậm chí đưa tới hậu quả rất nghiêm trọng.

"Báo cáo không đúng, đánh giá không sát thực tế sẽ dẫn tới sai lệch ngay từ khâu điều hành chính sách vĩ mô. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng lãng phí nguồn lực, hiệu quả đầu tư không cao. Chỗ cần phát triển, cần đầu tư lại không được đầu tư", vị đại biểu Cần thơ nhắc nhở.

Không ngạc nhiên

ĐBQH Nguyễn Tấn Tuân cũng không ngạc nhiên trước những báo cáo này. Theo ông Tuân, thị trường BĐS ở hai thành phố Hà Nội và TP.HCM thời gian vừa qua vẫn đang ở thế mắc kẹt, không có nhiều tiến triển do giá BĐS trước đó bị đẩy lên quá cao.

Sau khi có gói 30.000 tỷ, BĐS của một số địa phương đã được giải cứu, riêng hai thành phố lớn vẫn không thể giải ngân được. Nguyên nhân là khó chuyển đổi được từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để bán. Như vậy nghĩa là đóng băng vẫn hoàn đóng băng.

Bàn về vấn đề này, ĐBQH Cao Sỹ Kiêm cho biết, sự lệch pha trong báo cáo giữa hai bộ là do cách tiếp cận đối tượng, lựa chọn điểm xuất phát, cách thức đánh giá... giữa hai bộ khác nhau.

Báo cáo của Bộ Nội vụ là có cơ sở, báo cáo thể hiện toàn diện về nhiều khía cạnh trong lĩnh vực xây dựng. Trong đó bao gồm xây dựng cấu trúc hạ tầng nói chung của toàn thành phố chứ không riêng về xây dựng nhà ở, xây dựng đô thị.

Đây cũng là vấn đề QH đã bàn sau khi thực hiện việc sáp nhập nhiều địa phương về Thủ đô Hà Nội. Cho tới nay những hạn chế trong công tác quản lý, giám sát, thực hiện đất đai đã từng bước bộ lộ.

Về phía Bộ Xây dựng, báo cáo mới thể hiện được trong lĩnh vực quản lý xây dựng hạ tầng đô thị của thành phố. Do dó, báo cáo chưa phản ánh hết được những tồn tại thực tế.

Tỏ ra không ngạc nhiên, vị đại biểu đoàn Thái Bình cho biết, báo cáo hay, biểu hiện thành tích gần như thể hiện ở hầu hết trong báo cáo của các bộ ngành, địa phương, kể cả trung ương cũng vậy. Rất khó tìm được một báo cáo chỉ rõ những hạn chế, yếu kém, dám thừa nhận khuyết điểm và chịu trách nhiệm ở cương vị của mình.

Ngay từ việc xây dựng các chính sách điều hành cụ thể cũng sẽ bị méo mó từ cấp cơ sở. Sự bằng lòng với thành tích ảo sẽ dần che lấp những tồn tại, những khuyết điểm.

Điều này không khó hiểu, trong một bối cảnh tốt chung, xuất sắc chung sẽ rất khó có người xấu. Vì vậy, ông Kiêm mới nói: "Đâu đó người ta có chỉ ra những mảng chưa rõ ràng, chưa sáng hơn, nhờ nhờ thậm chí còn đen sau mỗi báo cáo đẹp cũng là dễ hiểu".

Ông cũng cho biết, điều này đang biểu hiện một phần mặt trái của công tác thống kê. Từ hạn chế của một ngành, nó phản ánh hạn chế chung của toàn ngành. Ông Kiêm cảnh báo, điều này là rất nguy hiểm vì nó ảnh hưởng rất lớn tới việc quyết định những chính sách, giải pháp trong điều hành, phát triển chung. Nếu nhìn mọi việc méo mó thì chính sách cũng phải méo mó, thiếu chính xác theo.

"Bạn nhìn hình vuông chắc chắn sẽ khác hình tròn. Nếu nhìn hình vuông ra hình tròn, chính sách sẽ được thiết kế theo hình tròn. Như vậy khuyết điểm của hình vuông không được khắc phục mà chính sách cũng buộc phải méo mó theo hình tròn. Một khi đánh giá không sát, không đúng sẽ dẫn tới cái nhìn giữa cấp trên với cấp dưới cũng khác" - ĐBQH Thái Bình lưu ý.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt