Hà Tây “tháo khoán” giao cấp đất?

Cập nhật 05/04/2008 09:00

Sáng 3/4, hàng trăm người dân ở tất cả các thôn như La Nội, Ỷ La, La Dương, La Cả… thuộc xã Dương Nội (Hà Đông-Hà Tây) đều kéo về trụ sở UBND xã Dương Nội để phản đối chủ trương thu hồi 100% đất nông nghiệp của bà con để làm khu đô thị mới.

Quyền chủ tịch UBND xã Dương Nội Nguyễn Trung Sơn đã đứng ra thực hiện buổi tiếp dân. Không khí đối thoại giữa chính quyền và người dân diễn ra lịch sự, nề nếp. Tuy nhiên, suốt buổi, ông Sơn đã không trả lời được những đề nghị của dân.

Có nhiều nguyên nhân khiến người dân không thuận. Thứ nhất, bà con lo ngại rằng, nếu thu hồi 100% đất nông nghiệp của dân thì nông dân sẽ không còn đất để sản xuất.

Thứ hai, giá đền bù thấp và có sự chênh lệch lớn. Mặc dù Dương Nội và La Khê nằm giáp nhau, cùng trên trục dự án đường Lê Văn Lương kéo dài nhưng giá đền bù đất nông nghiệp ở La Khê là 92 triệu đồng/sào (360m2), còn ở Dương Nội chỉ có 54 triệu đồng. Nếu cộng cả tiền đền bù cây cối, hoa màu, hỗ trợ giải quyết việc làm… thì cũng chỉ được khoảng 74 triệu đồng/sào. Trong khi đó, nếu trồng đào, một năm có thể cho thu trên 100 triệu đồng/sào.

Tuy nhiên, vấn đề khiến dân bức xúc là, chỉ trong một thời gian ngắn, ở Dương Nội đã có 15 nhà đầu tư với 15 dự án nhảy vào. Trong đó, ngoài 2 dự án “cấp nhà nước” là đường Lê Văn Lương kéo dài và Lê Trọng Tấn kéo dài thì có tới 13 dự án xây khu đô thị mới là do các doanh nghiệp tư nhân “cấp tỉnh”, “cấp huyện” muốn đầu tư. Nếu đáp ứng đủ 15 dự án kể trên, toàn bộ đất trồng đào, lúa ở Dương Nội sẽ phải nhường chỗ cho những khu đô thị mới.

Song, cả chính quyền và doanh nghiệp đều bị dân “bắt bài” ở chỗ: Mặc dù chưa có quyết định thu hồi đất (mới chỉ thông báo trên loa truyền thanh) nhưng đã tổ chức kiểm đếm hoa màu, cây cối để lên phương án đền bù.

Thêm nữa, mặc dù tất cả các dự án khu đô thị vẫn còn nằm trên giấy, dân chưa bàn giao mặt bằng, chưa san lấp nền, xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng các nhà đầu tư đã đưa giá bán lên mạng để rao (với giá 17-18 triệu đồng/m2). Như vậy là trái với quy định về dự án xây dựng và kinh doanh nhà ở khu đô thị mới.

Trao đổi với PV, phần lớn người dân đều bày tỏ rằng, Hà Tây sắp về Hà Nội. Nếu đây là dự án của Chính phủ phê duyệt, tuân thủ theo quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, triển khai những dự án lớn có tính quốc gia như mở đường giao thông, giải tỏa ách tắc… thì dân sẵn sàng hưởng ứng.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Hà Tây cũng như chính quyền TP Hà Đông lại giao cấp đất vội vàng, cho các doanh nghiệp xây dựng khu đô thị ào ạt, mà không có lộ trình hỗ trợ, tạo công ăn việc làm ổn định, đào tạo nghề cho người dân mất đất… nên đã bị người dân phản đối.

Nhiều người dân sở tại cũng cho rằng, La Cả- một tên gọi khác của xã Dương Nội - là một làng đào nổi tiếng, không chỉ chính quyền tỉnh Hà Tây mà cả chính quyền “Hà Nội mới” cần phải có quy hoạch để bảo tồn. Thủ đô cần phải có những làng hoa, làng trồng rau xanh ở tuyến vành đai. Không nên đô thị hóa xô bồ, vội vã, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Được biết, tháng 8/2006, UBND tỉnh Hà Tây có quyết định thu hồi 158.587m² đất của người dân xã Dương Nội để triển khai dự án đường Lê Trọng Tấn kéo dài. Đến tháng 10/2007, lại có thêm quyết định thu hồi 809.357m2 giao Công ty cổ phần XNK tổng hợp Hà Nội xây dựng khu đô thị mới La Khê. Tháng 12/2007, thu hồi tiếp 20.245m² giao cho Công ty TNHH Nam Cường xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài.



Những ruộng đào có thể được coi là cuối cùng ở làng trồng đào
La Cả khi hàng chục dự án khu đô thị mới được mọc lên ồ ạt.


Tháng 1/2008, UBND tỉnh Hà Tây tiếp tục ra quyết định thu hồi 1.125.150m² giao cho Công ty TNHH Nam Cường xây dựng khu đô thị mới Dương Nội. Tháng 2/2008, UBND tỉnh Hà Tây lại ra quyết định thu hồi 178.786m² đất nông nghiệp (cuối cùng) để giao Công ty cổ phần An Hưng xây khu đô thị mới.

Như vậy, khu đô thị mới sẽ “nuốt chửng” làng trồng đào La Cả. Hơn 100ha đào đã ươm trồng cho vụ tết sắp tới sẽ phải nhổ đi và làng đào này tất nhiên sẽ biến mất.

Điều khó hiểu hơn ở chỗ, mặc dù các quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Hà Tây chưa về đến xã, chưa giao đến tay người dân nhưng từ đầu tháng 3/2008 đến nay, nhiều chủ đầu tư dự án đã bắt đầu cho máy móc phá, lấp hàng chục héc ta lúa, hoa màu và đào của bà con, khiến bà con rất bức xúc.

Trong đó, Tập đoàn Nam Cường mặc dù chưa triển khai phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ cho người mất đất đã tự động tổ chức san ủi hàng chục ngàn mét vuông lúa vừa mới cấy.

Phát triển các khu đô thị là cần thiết, làm cho bộ mặt của Hà Nội tương lai trở nên hiện đại là xứng đáng, người dân cũng rất mong mỏi. Tuy nhiên, nếu cách làm không khéo, mức bồi thường không thỏa đáng và có giải pháp hỗ trợ cho tương lai của nông dân… thì có thể các dự án ở khu Dương Nội sẽ trở thành những dự án "treo".

Theo VTC News