Việc giá nhà đất ở Hà Tây chững lại và giảm mạnh trên diện rộng hiện nay được giới đầu cơ cho là do các động thái: đánh thuế lũy tiến, siết chặt cho vay bất động sản (BĐS), thị trường chứng khoán lao dốc và thông tin sáp nhập vào Hà Nội có thể lui lại….
Những tác động tâm lý
Khi thông tin Hà Tây sáp nhập vào thủ đô thì nơi đây được xem là điểm đến lý tưởng về đầu tư BĐS chính vì thế mà các khu vực như Mỗ Lao, An Khánh, Văn Quán, Văn Phú… lần lượt được biết đến vì là nơi lý tưởng để đầu tư BĐS. Giá BĐS liên tục tăng đã có nơi tăng gấp 6 lần trong vòng chưa đầy một tháng.
Điển hình như dự án khu chung cư 43ha do công ty Booyoung Vina làm chủ đầu tư, khu làng Việt kiều châu Âu 12,8ha do tập đoàn tài chính TQS làm chủ đầu tư, khu đô thị mới Mỗ Lao thuộc thành phố Hà Đông...
Những mảnh đất nằm sâu trong ngõ nhỏ, địa bàn heo hút trước giá chỉ 2-3 triệu đồng/m2, đến nay nay chủ nhân đòi 6 triệu/m2, nếu làm sổ đỏ khách hàng phải trả 7 triệu/m2. Trong khi đất và nhà thuộc dự án hoặc gần các dự án cũng tăng lên 20 - 25 triệu/m2.
Khu vực quốc lộ 6 cuối năm ngoái giá chỉ khoảng 15 triệu đồng/m2 có thời đã được đẩy lên 35 triệu/m2. Đất chia lô ở khu Văn Quán cũng ở mức xấp xỉ 30 triệu/m2. Xa hơn một chút như đô thị mới Văn Phú, Văn Khê, giá đất tăng lên 25 triệu/m2.
Ấy vậy mà nay chỉ sau một thời gian ngắn nhiều khu vực ở Hà Tây thị trường đất đã “đóng băng”, nhiều trung tâm môi giới nhà đất phải đóng cửa. Giá đã giảm xuống nhưng cũng chẳng có khách hàng nào hỏi đến.
Anh Ngọc, nhân viên một trung tâm môi giới bất động sản tại TP Hà Đông, cho biết cách đây chưa đầy 1 tháng, đất nền thuộc dự án Văn Phú được rao bán với giá từ 19 - 24 triệu đồng/m2. Dự án tại các khu Văn Khê, Văn Mỗ... đều ở mức giá 25 - 27 triệu/m2 nhưng giao dịch thành công vẫn ở mức rất cao thì đến nay, giá trên chỉ được giao dịch ở mức 17 - 19 triệu đồng/m2, nhưng vẫn không có người mua.
Nhìn vào bảng giao dịch tại trung tâm này, chúng tôi thấy rất rõ đất tại các khu Văn Phú đã giảm 20 – 25% so với một tháng trước đó. Giá đất biệt thự trung tâm này đưa ra cao nhất cũng chỉ 30 triệu đồng/m2.
Cả buổi sáng chúng tôi mới kiếm được một khách hàng tại Trung tâm anh Ngọc có nhu cầu mua đất. Anh Hoàng, một khách hàng cho biết: “Giá đất trong các khu dân cư hiện nay vẫn ở mức rất cao một phần là do suy nghĩ “được chăng hay chớ” của người dân khi gặp khách hỏi mua”.
Anh Hoàng còn cho biết thêm: “Nếu đất trong khu dân cư, dù có sổ đỏ nhưng phát giá 15 - 17 triệu đồng/m2, thì tôi sẽ chọn mua đất dự án trong khu đô thị mới (hiện cũng chỉ ở mức 17 - 18 triệu đồng/m2), vì hạ tầng và quy hoạch kiến trúc tốt hơn gấp nhiều lần”.
Còn với anh Minh, một chủ môi giới thì lý giải “do tâm lý có thông tin hoãn thời hạn về Thủ đô nên nhiều người muốn bán tống bán tháo suất của mình đi nên lượng hàng cũng quá nhiều, khiến cho thị trường náo loạn”.
Nhớ thời "vàng son"
Khi thông tin Hà Tây sáp nhập về Hà Nội thị trường nhà đất ở đây “sốt” hàng giờ, việc kiếm ăn dễ dàng với lợi nhuận cao đã làm xuất hiện hàng loạt các văn phòng môi giới nhà đất. Giờ đây thị trường “đóng băng” thì các văn phòng môi giới này lần lượt “ngủ đông”.
Anh Nguyễn Ngọc Bảy, người đã từng có “thâm niên” về môi giới nhà đất trên địa bàn TP Hà Đông, thống kê: “Vào những lúc cao điểm, khu Hà Đông này có tới gần một trăm trung tâm “môi giới nhà đất”. Còn tại thời điểm này thì, con số này đã giảm đến 2/3."
Nhiều văn phòng môi giới nhà đất trên địa bàn Hà Tây đã đóng cửa.
Ảnh minh họa
Theo VTC_News