Việt Nam hiện có 743 đô thị phân loại theo 4 cấp, hàng năm đóng góp 70% GDP, dân số thành thị tăng khá nhanh, trung bình 3%/năm, có hàng triệu người di cư từ nông thôn ra thành phố. Tình trạng này đang gây áp lực lớn đến các hệ thống hạ tầng vốn đã yếu kém của các thành phố.
TS.Nguyễn Quang, Giám đốc chương trình định cư con người LHQ tại Việt Nam cho rằng: "Việt Nam mới xử lý rác thải 60%, đường sá được đáp ứng 55%, đô thị Việt Nam đang thách thức nhiều với môi trường, vấn đề tạo sự công bằng xã hội và việc giữ gìn di sản văn hóa trong quá trình phát triển, làm thế nào để tạo công ăn việc làm và nâng cao năng lực quản lý đô thị".
Các cuộc điều tra cho thấy, hiện nay ở các đô thị có khoảng 1,8 triệu nhà ở tạm, nhiều khu dân cư thu nhập thấp xuất hiện ở thành phố có tới 30% hộ nghèo. Kết quả điều tra ở 95 thành phố, tỷ lệ nghèo đói là 6,60%. Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong vòng 5 năm, khoảng 74.000 ha đất nông nghiệp bị đô thị hóa, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của 2,5 triệu nông dân.
Mục tiêu của chủ đề "thành phố hài hòa" nhân ngày Thế giới về định cư con người năm nay là, phát triển đô thị hài hòa với sự phát triển của cả vùng là lồng ghép, giải quyết các vấn đề nghèo đói và sự tham gia của nhân dân, hài hòa giữa các công trường xây dựng và môi trường tự nhiên.
Theo Bộ Xây dựng, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 100% hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch, có nhà vệ sinh đạt chuẩn và rác thải được thu gom. 100% hộ dân có đủ chỗ ở và các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải.
DiaOcOnline.vn - Theo VTV