Hà Nội: "Xài" chưa được 1 năm đã phải bỏ 10 tỉ đồng để sửa cầu

Cập nhật 22/03/2013 08:14

Chưa đầy 1 năm sau khi khánh thành, Hà Nội có thể lại phải bỏ tiền ngân sách tới hơn 10 tỉ đồng để sửa chữa, gia cố cầu vượt thép Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng do thiếu... tầm nhìn quy hoạch.

Hà Nội có thể phải bỏ ra hơn 10 tỉ đồng để sửa chữa cầu vượt thép Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng

Chiều ngày 21-3, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội (đơn vị đang xây dựng tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 của Hà Nội) cho biết sẽ phải cải tạo, gia cố cầu vượt thép tại ngã tư Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng để phục vụ xe buýt BRT, chạy từ bến xe Kim Mã (quận Ba Đình) xuống bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông).

Theo tính toán, sẽ phải tốn khoảng 500 ngàn USD (hơn 10 tỉ đồng) để gia cường chịu lực cầu cho xe buýt nhanh BRT chạy qua. Nguồn tin này cũng cho biết, khi đi vào hoạt động những chiếc xe buýt nhanh tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa sẽ khắc phục hình ảnh “xấu xí” thường thấy của xe buýt đang hoạt động hiện tại như xả khói đen trên đường, gây ùn tắc, trộm cắp…

Tuy nhiên, theo một chuyên gia giao thông, việc bỏ ra tới hơn 10 tỉ đồng để sửa do thiếu tầm nhìn quy hoạch là một điều khó chấp nhận. Vị chuyên gia này nhận định dư luận Thủ đô chắc chắn sẽ bức xúc khi biết thông tin về số tiền Hà Nội bỏ ra để sửa chữa một cây cầu thép mới đưa vào hoạt động được 1 năm.

Tuyến xe buýt BRT 1 Kim Mã - Yên Nghĩa được Hà Nội khảo sát, lập dự án từ năm 2004. Cầu vượt thép tại ngã tư Láng Hạ-Huỳnh Thúc Khánh được xây dựng trong thời gian rất ngắn nhằm giảm ùn tắc giao thông tại đây với tổng kinh phí khoảng 67 tỉ đồng.

Không lâu sau khi cây cầu này khánh thành, đi vào hoạt động (tháng 4-2012), nhà quản lý giao thông Thủ đô mới “tá hỏa” khi phát hiện cây cầu này được thiết kế, thi không mà không có khả năng phục vụ cho xe buýt nhanh BRT.

Thời điểm triển khai dự án phát triển tuyến BRT số 1 tới gần, Sở GTVT Hà Nội mới tức tốc có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội xin sửa chữa, nâng cấp cầu vượt thép Láng Hạ-Huỳnh Thúc Kháng. Sau khi được thẩm định, UBND TP Hà Nội đã ra văn bản chấp thuận việc này.

Và tới giờ, việc đơn vị xây dựng BRT 1 công bố số tiền mà ngân sách nhà nước phải bỏ ra để sửa chữa một chiếc cầu thép mới đi vào hoạt động được 1 năm khiến nhiều người giật mình. Theo một chuyên gia giao thông, phải có cá nhân, tổ chức đứng ra nhận trách nhiệm về việc này. Trách nhiệm trước hết không ai khác thuộc về Sở GTVT Hà Nội.

Đó là chưa kể, do tầm nhìn hạn chế nên trước đây, cơ quan quản lý về giao thông ở Thủ đô đã “vẽ vời” nên không ít dự án BRT mà đến giờ phải điều chỉnh lại, dừng hẳn lại. Đó là việc tạm ngừng triển khai tuyến BRT từ Kim Mã ra hồ Hoàn Kiếm, đoạn Quang Lai - Văn Điển tới hồ Hoàn Kiếm,… do mặt đường không đảm bảo diện tích cho xe buýt hoạt động. Ngoài ra, Hà Nội còn quyết định điều chỉnh giảm số lượng xe buýt BRT từ 130 xe xuống còn 35 xe để phù hợp với yêu cầu một số tuyến.

“Phát triển xe buýt BRT là rất cần thiết nhưng Hà Nội cần phải nhìn lại bài học quy hoạch trong quá khứ để không phải tốn tiền khắc phục tầm nhìn ngắn, gây bất bình dư luận. 10 tỉ đồng để sửa chữa cầu vượt là việc đáng phải bàn và truy trách nhiệm” - vị chuyên gia giao thông trên nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao động