Hà Nội “vỡ mộng” dự án đổi đất lấy hạ tầng

Cập nhật 12/04/2013 11:02

Hàng loạt tuyến đường quan trọng của Hà Nội làm theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng, sau nhiều năm thi công cầm chừng, đến nay có nguy cơ phải điều chỉnh tổng mức đầu tư hoặc lập lại dự án, đàm phán lại hợp đồng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, thành phố có 63 dự án BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao), trong đó có 12 dự án đã và đang triển khai (đã ký hợp đồng dự án), 20 dự án đã lựa chọn nhà đầu tư, 25 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương nhưng chưa lựa chọn nhà đầu tư và 6 dự án đã chấp thuận nguyên tắc về lập đề xuất dự án.

Ba năm làm xong nhưng chưa thể quyết toán

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 12 dự án đã và đang triển khai, có 5 dự án hoàn thành. Trong đó có 4 dự án hoàn thành, bàn giao và đưa vào khai thác từ tháng 10/2010, để phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long (Bảo tàng Hà Nội, cung Trí thức, đường trục Bắc Hà Đông, đường Lê Văn Lương kéo dài), dự án còn lại là nhà máy xử lý nước thải Yên Sở hoàn thành vào năm 2012 hiện đang trong quá trình bàn giao.


Cung Trí thức hoàn thành đã ba năm chưa xong quyết toán

Tuy nhiên, sau nhiều năm hoàn thành, cả 5 dự án trên chưa có dự án nào xong quyết toán công trình BT và quyết toán hợp đồng dự án. Trong đó có 1 dự án đã hoàn thành kiểm toán và đang quyết toán là cung Trí thức, 4 dự án còn lại chưa kiểm toán xong. Riêng nhà máy xử lý nước thải Yên Sở chưa xong cả phần kiểm toán dự toán.

Đối với 7 dự án đã ký hợp đồng dự án, có 5 dự án đã khởi công, đang đầu tư, 2 dự án chưa khởi công. Do quỹ đất đối ứng nằm trong vành đai xanh nên một số tuyến đường cũng bị ảnh hưởng về tiến độ như tuyến đường trục Bắc - Nam tỉnh Hà Tây cũ, đường Lê Đức Thọ đến Xuân Phương, đường Đỗ Xá - Quan Sơn. Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết do bị ảnh hưởng quy hoạch nên dự án trên có khả năng phải điều chỉnh tổng mức đầu tư hoặc điều chỉnh lại một số điều khoản hợp đồng.

Cho đến nay, có 20 dự án Hà Nội đã lựa chọn nhà đầu tư, trong đó có 19 dự án nhà đầu tư cam kết tiếp tục triển khai (1 dự án nhà đầu tư xin chuyển phương án thu hồi vốn đầu tư công trình BT thành tiền). Đối với dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn trên địa phận Hà Nội, nhà đầu tư Tập đoàn sông Đà nay là Tổng công ty sông Đà đã có văn bản gửi Thủ tướng xin thôi đầu tư và đã được chấp thuận.

Chậm triển khai do bất động sản suy giảm

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tiến độ các dự án BT còn chậm. Nguyên nhân được đưa ra là do suy thoái kinh tế ảnh hưởng rất lớn đến việc huy động đầu tư theo hình thức hợp đồng BT và làm khả năng cung cấp, cũng như tiếp cận nguồn vốn tín dụng khó khăn. Sự suy giảm của thị trường bất động sản ảnh hưởng đến quá trình xây dựng khu đô thị mới, khu nhà ở cũng là lý do được đưa ra cho việc chậm triển khai dự án BT.


Bảo tàng Hà Nội - công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long cũng vẫn còn vướng quyết toán

Những quy hoạch chuyên ngành (chủ yếu là quy hoạch giao thông vận tải) và các quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chung xây dựng đô thị vệ tinh chưa được phê duyệt dẫn đến việc xác định phạm vi quy mô của một số công trình BT và xác định quỹ đất đối ứng chưa thực hiện được.

Một lý do khác cũng được Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là do các cơ quan quản lý hợp đồng dự án chưa quyết liệt và phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư trong thực hiện các công việc liên quan, nhất là đối với các dự án đã và đang triển khai. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng chưa đáp ứng tiến độ của dự án.

Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND thành phố Hà Nội yêu cầu cơ quan quản lý hợp đồng 5 dự án đã hoàn thành khẩn trương kiểm tra, đôn đốc quyết liệt nhà đầu tư thực hiện các thủ tục quyết toán công trình. Đối với dự án đang triển khai yêu cầu nhà đầu tư và đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện theo chỉ đạo của thành phố. Đối với dự án còn lại, tiếp tục chỉ đạo triển khai, nhất là quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải và quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch xây dựng chung các đô thị vệ tinh.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân trí